Vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ
Bà Đặng Thị Thanh, từng tham gia quân đội từ năm 1972 (Khi còn là học sinh cấp 3). Vào chiến trường B cho tới sau ngày giải phóng được chuyển về công tác tại Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa – làm Chánh án. Sau đó, được bổ nhiệm là Thẩm phán – Phó chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối caotừ năm 2000 và đến năm 2010 bà nghỉ hưu. Mặc dù nghỉ hưu nhưng đến nay bà vẫn say sưa hoạt động với vai trò là Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Cộng đồng và Trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) để bảo vệ những đối tượng yếu thế: phụ nữ, người già, người tàn tật, phụ nữ ly hôn, đặc biệt là trẻ em.
Nhân Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2022), Người Đưa Tin đã lắng nghe những tâm tư, trăn trở từ người cựu chiến binh Đặng Thị Thanh – Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh cơ quanTrung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi thấy được trách nhiệm vô cùng lớn lao và không ít day dứt trong quá trình hoạt động của người gánh trên vai trọng trách bảo vệ công lý.
Cựu chiến binh Đặng Thị Thanh tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, trẻ em xã Bát Mọt huyện Thường Xuân, Thanh Hóa (Ảnh: NVCC).
Bà Thanh cho biết, Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên được thành lập từ năm 2013 đến năm 2020 đổi tên là Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên.
Các thành viên của trung tâm đều là những cán bộ đã từng công tác tại các cơ quan pháp luật như: Công an, viện kiểm sát, tòa án nay đã nghỉ hưu nhưng với tấm lòng tâm huyết đã cùng bà tham gia hoạt động bảo vệ cho trẻ em.
Cựu chiến binh Đặng Thị Thanh vẫn luôn noi gương bộ đội cụ Hồ xông pha, cống hiến.
Chia sẻ về công tác bảo vệ nhóm yếu thế đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bà Đặng Thị Thanh bộc bạch: “Chúng tôi luôn mong muốn bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình bảo vệ cho trẻ em – đối tượng dễ bị xâm hại. Đặc biệt, trong vấn nạn xâm hại tình dục ngày một nhức nhối, các vụ bạo hành gia đình đang ngày càng gia tăng, chưa kể tội phạm về người chưa thành niên cũng không giảm”.
Với phương châm hoạt động: “Tất cả vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ em”, bà Thanh cho hay, những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với Hội Luật gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ, TAND các tỉnh và các cơ quan địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí tại nhiều địa phương cho hơn 1.000 đối tượng đặc thù là phụ nữ và trẻ em về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em theo Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ trẻ em, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và bảo vệ chứng cứ.
Tuyên truyền pháp luật ở vùng sâu, vùng xa…
Hoạt động của Trung tâm được trải rộng khắp các xã vùng cao với chuyên đề “Tuyên truyền và tư vấn pháp luật tại cơ sở, đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tới phụ nữ, thanh thiếu niên vùng sâu,vùng xa thuộc các huyện của tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang…
Quan tâm đến các đối tượng yếu thế, các trẻ em vi phạm pháp luật, Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho học sinh và giáo viên trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Tp.Hồ Chí Minh về kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; hoặc tuyên truyền phổ biến cho học viên trường Giáo dưỡng số 2 bộ Công an về chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, nhằm giúp họ cải tạo tốt nhanh chóng trở về với cộng đồng…
Mỗi một chuyến đi tuyên truyền pháp luật đều để lại trong lòng người cựu chiến binh những ấn tượng, cảm xúc khó phai.
Tuyên truyền và trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại Bát Xát, Lào Cai (Ảnh: NVCC)
“Đó là lần tuyên truyền phòng chống pháp luật xâm hại tình dục đối với trẻ em khuyết tật tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2014, chúng tôi tiếp xúc tại ngôi trường này để tuyên truyền cho 220 học sinh và 70 cô giáo. Lúc đầu, chúng tôi tuyên truyền cả học sinh nam và nữ. Nhưng, khi giảng xong thì tôi mời các học sinh nữ ở lại. Dạy các con tất cả những từ ngữ trong pháp luật như: Hiếp dâm, dâm ô, giao cấu như thế nào. Đa phần các con khi được hỏi đều nói không biết như thế nào là bị giao cấu, xâm hại.
Khi đưa ra các tình huống bị xâm hại tình dục giảng cho các học sinh tôi thật sự sốc và bất ngờ khi có một em học sinh nữ 15 tuổi bị xâm hại nhiều lần. Đây là trường hợp đau lòng, mẹ mất ở với bố nhưng thường xuyên bị bạn của anh trai xâm hại tình dục, người bố biết chuyện nhưng không phản ứng gì, cháu gái bị xâm hại trong một thời gian dài cho đến khi được tư vấn, nhà trường đã phối hợp và chấm dứt được tình trạng này.
Qua sự việc nêu trên, chúng tôi nhận thấy một vấn đề đó là có những gia đình coi con bị khuyết tật như một thứ đồ bỏ đi không quan tâm quyền lợi của trẻ, không quan tâm sự thiệt thòi của trẻ”, bà Thanh tâm sự.
Kết hợp với mỗi chuyến đi tư vấn pháp luật ấy, bà Thanh còn mang đến cho các em nhỏ vùng cao những suất quà ấm tình (Ảnh: NVCC).
Tặng quà cho các em nhỏ vùng cao (Ảnh: NVCC).
Hiện nay, nữ cựu chiến binh Đặng Thị Thanh và các thành viên tập trung tuyên truyền cho phụ nữ, học sinh về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành đối với trẻ em; phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng nhằm mang lại cho trẻ sự phát triển bình thường và tuổi thơ trong sáng.
Thời gian tới, bà Thanh cho biết bà mong muốn Hội Luật gia thành lập “ngôi nhà pháp luật” như nhà tạm lánh tại các bộ, ngành, địa phương để bảo vệ phụ nữ trẻ em như: tư vấn, tham gia tố tụng… cho các đối tượng này mà các luật gia, luật sư, tư vấn viên của Hội tham gia.
Với tấm lòng nhân ái, năm 2021 cựu chiến binh Đặng Thị Thanh được Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội tặng danh hiệu người tốt, việc tốt.
Tấm lòng nhân hậu và nhiệt huyết của cựu chiến binh Đặng Thị Thanh lan tỏa, góp phần động viên các cựu chiến binh dù là cao tuổi nhưng phát huy bản chất bộ đội cụ Hồ ở môi trường nào, công việc gì cũng luôn là những người gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, góp phần ổn định xã hội trong sạch lành mạnh.
“Cõng” pháp luật lên non
Ghi nhận về những đóng góp thầm lặng của cựu chiến binh Đặng Thị Thanh, Ủy viên đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long chia sẻ: “Đồng chí Đặng Thị Thanh là cán bộ từng công tác trong ngành tòa án, trải qua quân ngũ, dù đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng đồng chí vẫn luôn noi gương bộ đội cụ Hồ xông pha, cống hiến.
Đồng chí Đặng Thị Thanh có trình độ chuyên môn cao trong ngành pháp luật, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và Trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đồng chí luôn trăn trở, tích cực vận động cán bộ, nhân viên trong trung tâm cũng như là hội cựu chiến binh tham gia nhiều hoạt động. Trong đó, đặc biệt nhất là “cõng” pháp luật lên non.
Ủy viên đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long ghi nhận những đóng góp thầm lặng của cựu chiến binh Đặng Thị Thanh.
Đồng chí Thanh cùng các cán bộ của Trung tâm không quản ngại đường sá xa xôi đi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa… Đối tượng mà đồng chí hướng đến chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, vấn đề bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục. Đây là hoạt động rất thiết thực.
Cùng với việc “cõng” pháp luật lên non, đồng chí Thanh còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện thông qua Câu lạc bộ Nhân Ái Tâm Thanh, cùng các thành viên và các nhà hảo tâm mang tình yêu thương, tình nhân ái và những món quà ý nghĩa đến với các em nhỏ vùng cao…
Trong công tác Hội, đồng chí Thanh là người năng nổ, tràn đầy năng lượng, nhiệt tình vận động cán bộ, hội viên trung tâm phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ cùng tham gia các hoạt động.
Từ tinh thần đó, chúng tôi mong muốn tất cả các cựu chiến binh của cơ quan Trung ương Hội, là những người có kinh nghiệm trong công tác pháp luật ngoài chức năng của luật gia thì còn phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ đóng góp vào các hoạt động chung, trong đó hướng tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, tiếp tục lan tỏa tình yêu thương vì cộng đồng của giới luật gia”.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Trung tâm còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện thông qua Câu lạc bộ Nhân Ái Tâm Thanh (thành lập ngày 20/10/2015) nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như:
Định kỳ thường xuyên hàng tháng tổ chức phát cơm miễn phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K Tân Triều, tham gia chương trình “Cặp lá yêu thương” nhận cấp dưỡng cho hai cháu mồ côi, các chương trình tặng quà nhân dịp Tết thiếu nhi và giáng sinh tại 2 bệnh viện và Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Hưởng ứng kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc ủng hộ phòng chống Covid 19, ủng hộ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K Tân Triều khẩu trang và nhu yếu phẩm. Đến nay sau tổng kết 5 năm hoạt động, Nhân Ái Câu lạc bộ đã nhận đc sự ủng hộ của thêm 150 tổ chức cá nhân và đã chi cho các hoàn cảnh khó với số tiền trên 600 triệu đồng.
Trong 2 năm vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bà Thanh đã tham gia ủng hộ nhiều hoạt động tại địa phương hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh. Được UBND huyện Thanh Trì ghi nhận tấm lòng vàng; được viết về gương người tốt việc tốt….
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-cuu-chien-binh-cong-phap-luat-len-non-a586436.html