Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nêu cụ thể, có những kiến nghị đã được các Bộ, ngành giải quyết nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, như tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình.
“Việc thiếu giáo viên so với định mức được giao ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học dẫn đến một số giáo viên phải giảng dạy trái chuyên môn. Do vậy, kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu có giải pháp để giải quyết tình trạng này”, đại biểu Hồng Thái cho biết.
Đại biểu Hồng Thái cũng nêu tình trạng có kiến nghị khi được ban hành văn bản để giải quyết vướng mắc nhưng lại phát sinh vướng mắc mới trong quá trình giải quyết.
Ví dụ như để giải quyết kiến nghị của cử tri về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản thay Thông tư số 16. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 20 ngày 30/12/2023 Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số vướng mắc mới. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạonghiên cứu, xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Phát biểu giải trình, làm rõ nội dung ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau Kỳ họp thứ 6, Bộ đã trả lời hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách chu đáo. Đối với một số vấn đề cử tri tiếp tục kiến nghị, Bộ đang nghiên cứu và tiếp tục giải quyết.
Về nội dung ĐBQH nêu, liên quan đến Nghị định 111, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đầu mối xây dựng và trình Nghị định là Bộ Nội vụ.
“Từ khi Nghị định 111 ra đời đã mở đường cho việc ký các hợp đồng lao động và rất nhiều hợp đồng lao động đã được ký, giải quyết được thêm nhiều vị trí việc làm cho giáo viên ký hợp đồng, đã góp phần để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vẫn có những vướng mắc, ví dụ khi chuẩn bị ký hợp đồng tìm nguồn vẫn còn có những khó khăn do thiếu nguồn như đại biểu nêu trên.
Lương và thu nhập, chế độ chính sách cho đối tượng ký hợp đồng còn có những điểm chưa thực sự động viên với người lao động. Có nhiều địa phương còn ngần ngại trong việc triển khai ký hợp đồng theo Nghị định 111…
“Trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ rà soát và kiến nghị cùng với Bộ Nội vụ tiếp tục xem xét các nội dung có liên quan”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Đối với 2 Thông tư, Thông tư 16 thay thế cho Thông tư 20, trong đó có liên quan đến việc xác định số lượng học sinh trong lớp theo chuẩn của các bậc học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay mức xác định các lớp vẫn dành chung cho cả nước. Cho nên, trong thực tế một số các khu vực vùng khó khăn, vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, các điểm trường, khu vực thưa dân thì sĩ số học sinh trong lớp chưa đủ 45 cho bậc THPT, chưa đủ 35 đối với bậc tiểu học. “Đây cũng là một điểm bất cập, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các nội dung này”, ông Sơn nói.
Về ý kiến của đại biểu liên quan đến Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị định này mới được ban hành năm 2016. Trong quá trình triển khai trong thực tế cũng có những điểm bất cập mà Bộ cũng đã nhận thấy, vì vậy, Bộ cũng đã tiến hành điều chỉnh Nghị định này.
Cần thông tin rõ ràng, chính xác để các đối tượng được hưởng lương biết
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, nhiều ý kiến của cử tri ngành giáo dục gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nền giáo dục tới đây cần thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính, sự nghiệp.
Nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo. Điều này, sẽ không tạo ra được động lực cống hiến cho các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.
Do đó, cử tri có hai kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đó là:
Thứ nhất, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh để hoang mang cho đối tượng thụ hưởng, không yên tâm công tác.
Thứ hai, cần tính toán kế toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghich-ly-thieu-giao-vien-nhung-van-tinh-gian-bien-che-theo-lo-trinh-a664999.html