Với diện tích 16.486,5 km², Nghệ An có dân số đông nhất Việt Nam với hơn 3 triệu dân, sinh sống trong nền khí hậu rất khắc nghiệt, nên phát triển kinh tế luôn là nỗi trăn trở của bao thế hệ.
Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An, năm 2022 tại có 27.404 xe ô tô được đăng ký mới, tăng 3.117 xe so với năm 2021 (năm 2021 tỉnh Nghệ An có 24.287 xe đăng ký mới). Chỉ tính riêng trong 20 ngày đầu năm 2023 (từ ngày 1 – 19/1/2023) số ô tô đăng ký mới là 1.830 xe.
Đến thời điểm hiện nay, tổng số phương tiện đang quản lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 171.588 xe ô tô các loại. Với số lượng đăng ký mới trung bình hơn 2.283 ô tô/tháng, xếp sau Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh…
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có gần 60.500 lao động từ các tỉnh, thành về quê ăn Tết Quý Mão 2023. Trong số này có gần 2.300 lao động mất việc làm.
Rà soát nhu cầu cho thấy, có hơn 11.600 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới. Trong đó có hơn 3.700 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh. Nhiều lao động khác co nhu cầu làm việc ngoại tỉnh, đi nước ngoài hoặc nâng cao tay nghề so với hiện tại.
Trong đó số lao động đi làm ở các tỉnh phía Nam là hơn 31.500 và các tỉnh thành khác là gần 29.000 người. Một thống kê đáng chú ý nữa là trong năm 2022, tỉnh Nghệ An có số người đi xuất khẩu lao động là hơn 20 nghìn người, tăng 3 lần so với năm 2021, thời điểm đại dịch Covid-19 con diễn biến phức tạp.
Nguồn lao động dồi dào là thế nhưng có vẻ như sự phát triển kinh tế của Nghệ An là chưa tương xứng, chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm của người dân. Nhiều thanh niên làng bao thế hệ hay mặc định cứ tốt nghiệp cấp 3 là “nam tiến”, nhà nào có điều kiện hơn thì lo cho con đi xuất khẩu lao động nước ngoài hòng đổi đời.
Nghệ An cũng phải thường xuyên nhận gạo cứu đói từ Trung ương, dẫn chứng là vào dịp Tết Nhâm Dần năm ngoái, thì trong số 11.0448 tấn gạo cứu đói của Chính phủ xuất kho cho 7 tỉnh thành thì Nghệ An chiếm 1.140 tấn, xếp thứ 2 sau Ninh Thuận. Tuy nhiên, nghịch lý thú vị ở mảnh đất xứ Nghệ này là dù là nghèo đấy, nhưng luôn nằm top nhóm những tỉnh mua ô tô nhiều nhất.
Những thống kê về số lượng lao động phải tha hương kiếm sống và số lượng mua ô tô để thấy rằng, dường như tình trạng chênh lệch giàu/nghèo tại Nghệ An đang khá sâu sắc.
Không ai muốn phải tha hương bán mồ hôi, nước mắt. Nhiều người vẫn luôn muốn được làm việc và cống hiến ngay trên quê hương mình. Cho thấy một điều, phần lớn người dân Nghệ An phải đối diện với cái nghèo, tương phản với hình ảnh tắc đường do lưu lượng ô tô quá nhiều thường xuyên xuất hiện tại thành phố Vinh.
Một thông tin tích cực, đáng để kỳ vọng là hiện tại Nghệ An đang thu hút được một số dự án đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn. Dự kiến đến 2025 cần khoảng 100.000 người lao động. Năm 2022, kinh tế Nghệ An tăng trưởng ước đạt 9.08%, là mức tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 22 của cả nước. Đến cuối năm 2022, đã có 362 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 36.400 lao động, một con số lớn sẽ là tin vui dành cho người dân Nghệ An.
Đây rõ ràng là điểm sáng cho Nghệ An thời gian tới, hứa hẹn giúp cho người dân không còn phải loay hoay với việc làm, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giải quyết được những bài toán nghịch lý lạ lùng.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghich-ly-o-xu-nghe-a592097.html