Pháp luật là một trong những nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh đứng đầu qua các năm, nghề luật sư nói riêng và ngành luật nói chung ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, với tính đặc thù, học luật không chỉ dừng lại ở 4 năm ngồi trên giảng đường đại học.
Đã học việc được 2 năm, bạn Bùi Mạnh Linh đang trong quán trình học nghề luật sư tại Học viện Tư pháp cho rằng cái khó của sinh viên học luật hiện nay là tiếp cận môi trường làm việc, nắm bắt cách giải quyết hồ sơ vụ việc.
“Nghề luật sư cần đào tạo riêng biệt nên kiến thức trên trường sẽ chỉ cung cấp nội dung nền tảng. Bản thân em khi mới học việc luôn có tâm lý lo lắng bởi khoảng thời gian đầu rất cần trau dồi kiến thức, pháp luật phải tìm hiểu nhiều kiến thức liên quan mới có thể cải thiện khả năng tư duy bản thân”, Linh bày tỏ.
Sống với nghề cần tình yêu và sự kiên trì
Về câu chuyện học ngành, làm nghề, trò chuyện với Người Đưa Tin, Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh – Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Bảo cho rằng nếu không có phương hướng rõ ràng rất khó để đi được đường dài và sống với nghề.
Người Đưa Tin (NĐT): Nhắc đến luật sư người ta hay nghĩ đến hình ảnh là người chỉnh chu, am hiểu phát luật. Nhưng để được đứng trên toàbảo vệ cho lẽ phải có lẽ cũng là hành trình không dễ dàng, điều này có đúng với chị?
Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Đúng là 2 chữ luật sư trông thì đơn giản nhưng bao hàm rất nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ. Ngay từ khi học lớp 9 tôi đã nghĩ đến sẽ trở thành luật sư, nhưng lúc đấy chỉ là những ý nghĩ của một cô học sinh, chưa biết nghề luật sư là gì?
Khi thi đại học mặc dù học chuyên ban A nhưng may mắn lại đỗ vào Đại học Luật Hà Nội ban D và từ đó bắt đầu hành trình đến với nghề. Nhưng đến tận lúc đi học, tôi cũng chưa có định hướng cho bản thân theo nghề thì phải làm gì.
Cứ vậy cho đến năm 3 tôi cũng bắt đầu nộp hồ sơ với mong muốn được thực tập ở văn phòng luật nhưng đều bị từ chối vì chưa học xong kiến thức. Suốt quãng thời gian học năm 4 và sau khi ra trường dù xin việc rất nhiều nhưng vẫn không nhận được cái gật đầu của nhà tuyển dụng. Tôi bị từ chối nhiều đến mức quyết định không làm luật nữa mà chuyển sang học về bất động sản.
Làm công ty bất động sản đầu tiên được 3 tháng thì cảm thấy đây không phải công việc mình yêu thích và cuối cùng may mắn sau một thời gian tôi được nhận làm tập sự ở một công ty luật, nhưng cũng không được lâu vì phải tiếp tục đi học lấy chứng chỉ hành nghề luật sư và học lên thạc sĩ.
Phải mất một quãng thời gian dài để tôi kiên trì tình yêu với nghề, bởi đi học thì không có thời gian kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đôi lúc tự nhủ nếu mình cứ thế này thì duy trì sinh hoạt hằng ngày đã khó chứ chưa nói đến là sống với nghề.
Sau khi làm việc ở một số công ty để có thêm kinh nghiệm đến năm 2018 tôi có thẻ hành nghề luật sư và năm 2020 thì quyết định tự mở văn phòng luật sư.
Cái khó khăn lúc này tôi phải đối mặt đó là mở văn phòng vào đúng thời kỳ dịch Covid-19, nhưng đây cũng là khoảng thời gian để bản thân tôi hoàn thiện hơn kiến thức, kỹ năng hành nghề.
Đến thời điểm hiện tại khi nhìn lại lúc mới mở văn phòng riêng, tôi cũng nhận ra ngoài tình yêu với nghề khiến mình cố gắng thì lúc đó bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có kế hoạch về việc thành lập văn phòng luật sư vậy mà tôi vẫn dám làm (cười).
NĐT: Câu chuyện ra trường có kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm chắc không của riêng ai, vậy chị giải quyết nó như thế nào?
Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Đã làm nghề luật sư thì phải làm việc và tư duy độc lập, bản thân mình cũng cần có bản lĩnh để dám quyết định những lựa chọn trong cuộc sống. Tôi nghĩ một trong những điều tôi có thể tiếp tục đến bây giờ là bởi sự đam mê với nghề và trước mỗi vụ việc luôn đào sâu nghiên cứu, cân nhắc tư vấn làm thế nào để có lợi nhất cho khách hàng của mình.
Nghề luật sư có những khó khăn ban đầu liên quan đến thu nhập, xây dựng thương hiệu cá nhân. Dưới góc độ khách hàng, với số tiền họ bỏ ra chắc chắn ai cũng chọn những luật sư uy tín, có kinh nghiệm. Cá nhân tôi thấy là con gái học luật sẽ có một số hạn chế khi mở rộng các mối quan hệ, quản lý thời gian, phát triển kỹ năng và ổn định tài chính.
Đã có thời điểm khi mới ra trường tôi phải dừng lại ý định của mình, làm nhiều công việc khác nhau để có thu nhập song song với đó là rèn luyện phát triển bản thân. Nghề luật cũng cần kiến thức tổng hợp nên bất kể bạn làm thêm ở lĩnh vực gì cũng giúp có thêm kinh nghiệm xã hội, hiểu biết pháp luật.
Tôi vẫn tâm niệm chỉ cần mình có lòng kiên trì và đam mê với nghề thì sẽ vượt qua được mọi thứ và điều quan trọng là cần có lộ trình và kế hoạch mới có thể đi được đường dài.
Người học luật cần sự chính trực
NĐT: Vậy để tránh tình trạng thiếu kinh nghiệm khi ra trường, các em sinh viên học luật cần tìm đến những “địa chỉ” nào để nâng cao khả năng, trình độ thưa chị?
Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Trước hết các bạn không nên nản chí, nếu sớm bỏ cuộc thì đó chưa thực sự là có tình yêu với nghề, chỉ cần các bạn có quyết tâm thì trước sau thì nghề cũng sẽ chọn các bạn. Bây giờ chúng ta đang trong giao đoạn hội nhập và phát triển kinh tế nên cơ hội nghề nghiệp càng ngày càng rộng mở.
Các bạn có thể làm thêm các công việc tự do tại nhà, hỗ trợ đăng các bài liên quan đến pháp lý. Nghề luật cũng rất cần có kỹ năng phản biện, thuyết trình, tư duy logic nên cũng có thể tham gia các khoá học kỹ năng mềm, câu lạc bộ luật tại các trường đại học và tự luyện tập thêm.
Hiện nay, các văn phòng luật cũng tìm kiếm các bạn thực tập từ năm 3 rất nhiều, tạo thêm nhiều cơ hội cho các bạn lựa chọn. Cùng với đó, phải có định hướng từ sớm để vừa rèn luyện kỹ năng, vừa bổ sung kiến thức để khi làm nghề các bạn không bỡ ngỡ.
NĐT: Chắc chắn sẽ có nhiều bạn mông lung khi chọn nghề luật, vậy theo chị một người có tố chất như thế nào nên học ngành này?
Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Mỗi người sẽ có câu chuyên và lý do chọn nghề riêng, ngoài đam mê, sự kiên trì đối với nghề thì tôi nghĩ người theo nghề luật phải chính trực và có đạo đức nghề nghiệp, vì đây là công việc có nhiều cám dỗ.
Về kỹ năng cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, chịu được áp lực, có tư duy logic, khả năng phân tích nhạy bén để tổng hợp kiến thức. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp và thuyết phục cũng rất quan trọng trong nghề luật. Mình được xã hội tin tưởng gọi là “thầy cãi” thì phải có cái tâm và cái tầm đúng với nghề chứ không phải bạ đâu “cãi” đấy.
NĐT: Trước hàng ngàn thông tin và rất nhiều nhóm ngành liên quan đến luật như hiện nay đây sẽ là xu hướng phát triển của nghề trong thời gian tới?
Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Các bạn không cần quá lo lắng đối với cơ hội nghề nghiệp vì trong cuộc sống hàng ngày sẽ xảy ra rất nhiều tranh chấp phát sinh mà cần tới luật pháp giải quyết.
Có 3 nhóm lĩnh vực các bạn có thể quan tâm tìm hiểu:
Làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc các phòng ban chuyên trách như: Tòa án, viện kiểm sát; thi hành án; các vụ/phòng pháp chế trực thuộc hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước,..
Làm pháp chế tại các doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế: Ngân hàng, bảo hiểm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước,…
Ngoài ra còn có một số chức danh bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp khác: Luật sư, công chứng viên, hòa giải viên, thừa phát lại, đấu giá viên, trọng tài viên,…
Các ban nên có định hướng và tìm hiểu sớm, tham gia thực tập ở các văn phòng để giúp hiểu mình cần làm gì và tránh mất thời gian, ngoài ra các bạn cũng cần phải trang bị thêm cho mình ngoại ngữ.
Tôi nghĩ luật sư tư vấn liên quan đến sở hữu trí tuệ, logistics, đầu tư, kinh doanh thương mại hoặc liên quan đến các vấn đề tranh chấp tài sản, ly hôn, thừa kế đều là những ngành cơ hội trong tương lai.
NĐT: Vậy mức lương nào cho nghề luật sư, thưa chị?
Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh: Luật sư là một nghề thặng dư, mức lương của các luật sư sẽ tăng dần theo giá trị mà họ mang lại cho khách hàng và xã hội. Giá trị đó sẽ được bồi đắp trong quãng thời gian dài tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng. Nghề luật sư sẽ có mức lương trung bình khá trong xã hội và sẽ được tăng đến khi chúng ta không thể cống hiến được nữa.
NĐT: Cảm ơn sự chia sẻ của chị!
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-luat-su-phai-co-tam-voi-nghe-chu-khong-phai-ba-dau-cai-day-a607911.html