Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 10/12/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân được hơn 3.527 tỷ đồng trên tổng số hơn 7.444 tỷ đồng phân bổ theo kế hoạch, đạt 47,38%. Trong đó có 10 đơn vị chủ đầu tư giải ngân trên 80%, 5 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân; 12 cơ quan, đơn vị giải ngân chậm (dưới 58,46%) và liên tiếp 3 đợt báo cáo không thực hiện giải ngân; 32 cơ quan, đơn vị đã thực hiện giải ngân, tỉ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 58,46%).
Lý giải về tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, tỉnh này cho biết, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là các cấp, các ngành, các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Công tác thẩm tra của các đơn vị được thực hiện thận trọng hơn; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm hơn.
Vì vậy, trong năm 2023, tỉnh Nghệ An sẽ đề cao kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với các cơ quan, đơn vị đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch giải ngân được giao là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Việc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là một trong các trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ theo quy định.
Tỉnh Nghệ An cũng nghiêm cấm hành vi yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc thực hiện khối lượng vượt kế hoạch giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31/12/2014, giao Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, giám đốc các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và báo cáo UBND tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Nghệ An được giao nguồn vốn thực hiện kế hoạch đầu tư công (đợt 1) hơn 7.311 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hơn 2.306 tỷ đồng, hơn 5.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Đối với nguồn ngân sách trung ương, có 800 tỷ đồng dành cho các dự án trọng điểm, liên kết vùng, đường ven biển; 270 tỷ đồng dành cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và 936,1 tỷ đồng dành cho các dự án theo ngành, lĩnh vực.
Cũng trong năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư để triển khai thực hiện; chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023, báo cáo UBND tỉnh định kỳ hàng tháng, quý.
Đơn vị này có trách nhiệm kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các cơ quan, đơn vị giải ngân thấp so với mức trung bình chung của cả tỉnh liên tiếp trong 3 tháng hoặc vi phạm trong công tác quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, chủ trì tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định đối với các dự án triển khai thực hiện và giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án có tỉ lệ giải ngân tốt, có khả năng thực hiện và giải ngân hết chỉ tiêu bổ sung.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong đảm bảo nguồn vốn, giải ngân kịp thời và quyết toán vốn đầu tư các công trình, dự án cũng như kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định hiện hành.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-anmien-nhiem-can-bo-neu-giai-ngan-von-dau-tu-cham-2-nam-lien-tiep-a589405.html