Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Nghệ An vừa có tờ trình về ban hành chương trình hành động cụ thể hóa nhiệm vụ trên.
Theo đó, tỉnh Nghệ An xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2030 phấn đấu cao hơn mức trung bình cả nước với khoảng 8.000 USD (giá hiện hành). Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới, là nhiệm vụ trung tâm của phát triển kinh tế – xã hội; xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là then chốt, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tập trung chỉnh trang đô thị, cơ cấu đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ…
Theo Tờ trình số 112-TTr/BCSĐ ngày 14/3/2023, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 11 -11,5%/năm. Cơ cấu GRDP: Nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5-14%; công nghiệp xây dựng chiếm 42-42,5%; dịch vụ chiếm khoảng 38,8%; GRDP bình quân đầu người năm 2030 phấn đấu cao hơn mức trung bình cả nước với khoảng 8.000 USD (giá hiện hành).
Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội phấn đấu dưới 30%, lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 70%; kinh tế số chiếm 30% GRDP. Đến năm 2030, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 65-70% diện tích…
Cùng với việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An có diện tích 105.585 ha, tỉnh Nghệ An cũng dành nguồn lực và mời gọi, thu hút đầu tư để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật 12 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế và 71 cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại.
Các giải pháp được đề ra bao gồm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực ngành xây dựng, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và cải thiện môi trường kinh doanh; phát huy giá trị văn hóa bản lĩnh, trí tuệ con người Nghệ An; đội ngũ trí thức, doanh nhân xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện tốt an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh…
Cùng với việc nêu các căn cứ, định hướng làm cơ sở để xây dựng chương trình hành động, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh cần phổ biến và quán triệt, triển khai hiệu quả, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW đối với toàn bộ hệ thống chính trị và các cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cụ thể hóa, triển khai thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết; tổ chức thực hiện để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.
Minh Tâm
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-xac-dinh-muc-tieu-tro-thanh-tinh-cong-nghiep-vao-nam-2030-a598573.html