“Dị biệt” là cụm từ được lãnh đạo Bộ Công Thương và các chuyên gia nhận xét khi nói về thị trường xăng dầu năm 2022.
Sự dị biệt đó, theo lãnh đạo Petrolimex, đã kéo dài trong suốt giai đoạn 2020-2022 chứ không chỉ một năm trở lại đây. Trong khi các doanh nghiệp thượng nguồn – thăm dò và sản xuất ban đầu của ngành dầu khí như PVN về đích trước nhiều tháng, thì nhóm công ty xăng dầu hạ nguồn – gồm các đơn vị chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh và phân phối đến người tiêu dùng như Petrolimex và các công ty kinh doanh xăng dầu lại đặc biệt khó khăn.
Trước một năm bất ổn của thị trường, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu cũng mang màu sắc ảm đạm.
Lợi nhuận của hai “ông lớn” sụt giảm
Hiện, tại thị trường Việt Nam, Petrolimex sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, còn PV Oil chiếm khoảng trên 20%. Ngoài ra, đây cũng là hai doanh nghiệp có số lượng điểm bán, cây xăng nhiều nhất.
Là “ông lớn” trong ngành, Petrolimex và PV Oil là hai doanh nghiệp có lãi trở lại trong quý IV/2022 trong toàn cảnh bức tranh u ám của khối phân phối xăng dầu, song con số lợi nhuận của cả năm 2022 lại sụt giảm đáng kể so với năm 2021.
Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 mới công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – HoSE: PLX) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận hơn 78.383 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán xăng dầu và cung cấp dịch vụ đi kèm chỉ trong 3 tháng cuối năm, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng trong quý IV lên tới 74.097 tỷ đồng, tăng 60% so cùng kỳ và chiếm gần 95% doanh thu thuần khiến lãi gộp chỉ còn 4.286 tỷ đồng. Trong quý IV, chi phí tài chính tăng lên 560 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay là 168 tỷ đồng); chi phí bán hàng lên 3.191 tỷ đồng, tăng 34%; chi phí quản lý ở mức 241 tỷ đồng, giảm 4 tỷ đồng.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận ròng quý IV của tập đoàn xăng dầu này đạt 1.414 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2022, Petrolimex đạt 304.080 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương mang về 833 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày. Tuy nhiên, lãi sau thuế cả năm của doanh nghiệp này chỉ ghi nhận ở mức 1.913 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2021 do giá vốn bán hàng tăng cao tới 291.758 tỷ đồng.
Về phần Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil – HoSE: OIL), riêng quý IV/2022 công ty này cũng ghi nhận hơn 24.662 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng quý này của PV Oil tăng gần 16% so với cùng kỳ, đạt 295 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần mà công ty xăng dầu này ghi nhận được là 104.279 tỷ đồng, tương đương hơn 285 tỷ đồng mỗi ngày. Song, lợi nhuận sau thuế đạt 726 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái và thấp hơn nhiều so với kết quả kinh doanh của Petrolimex.
Theo giải trình của Petrolimex, trong quý IV, lợi nhuận của doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh xăng dầu tăng so với cùng kỳ do giá cơ sở đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh kịp thời để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và chi phí khâu tạo nguồn và lưu thông thực tế.
Trong khi đó, PV Oil cho rằng lợi nhuận sau thuế 3 tháng cuối năm tăng do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ làm tăng lợi nhuận. Còn lợi nhuận trước thuế giảm do sản lượng tiêu thụ tăng nhưng do giá hàng hóa, dịch vụ tăng đã làm ảnh hưởng đến các khoản chi phí hoạt động liên quan.
Doanh nghiệp quy mô vừa báo lỗ
Là doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có hơn 550 đại lý ở Tây Nam Bộ, Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro – HoSE: PSH) ghi nhận một năm thua lỗ kể từ lần đầu lên sàn chứng khoán.
Riêng quý IV/2022, NSH Petro ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, lãi sau thuế chỉ hơn 42 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ.
Giải trình kết quả này, doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ giá xăng dầu trong nước và quốc tế biến động tăng làm ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào, dẫn đến tổng chi phí hoạt động quý IV/2022 tăng cao hơn cùng kỳ.
Cả năm 2022, doanh thu NSH Petro tăng 28% lên hơn 7.300 tỷ đồng, so với chỉ tiêu đề ra đầu năm chỉ thực hiện được 50% kế hoạch. Do khoản lỗ lớn hồi quý II/2022, đại gia xăng dầu miền tây lần đầu báo lỗ sau thuế gần 200 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 320 tỷ đồng). Kết quả này vừa kém xa mục tiêu lãi 384 tỷ đồng, vừa ngắt chuỗi lãi liên tục 5 năm từ 2017-2021.
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống là Công ty Cổ phần Vật tư Xăng Dầu (Comeco – HoSE: COM). Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2022 của Comeco đạt 1.129 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, công ty ghi nhận lỗ sau thuế khoảng 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 18,5 tỷ đồng.
Tính chung năm 2022, Comeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.816 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2021, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 97%, còn 1,2 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp sản xuất thu lãi khủng
Cùng trong bối cảnh giá xăng dầu “nhảy múa”, khan hiếm nguồn cung, trong khi doanh nghiệp phân phối chật vật thì doanh nghiệp đầu mối sản xuất là Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) lại liên tục tăng công suất, thu lãi đậm.
Đáng chú ý, trước khi báo cáo tài chính năm 2022 được công bố, Lọc dầu Bình Sơn dự báo quý IV/2022 sẽ lỗ hơn 700 tỷ đồng, song thực tế, doanh nghiệp này vẫn có lãi trong quý cuối năm 2022.
Cụ thể, trong quý IV, Lọc dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 40.430 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ và 1.494 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 44,4% so với quý IV/2021.
Cả năm 2022, doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt 167.123 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 14.393 tỷ đồng – gấp 2,2 lần so với năm 2021. Trung bình, mỗi ngày Lọc hóa dầu Bình Sơn thu về 40 tỷ đồng tiền lãi.
Bất đồng trong chiết khấu kinh doanh xăng dầu
Ngoài 5 doanh nghiệp xăng dầu niêm yết được thống kê, vẫn còn hàng chục doanh nghiệp đầu mối, hơn 330 thương nhân phân phối và 17.000 cửa hàng bán lẻ phải chịu cảnh thua lỗ trong năm 2022.
Tại một hội thảo góp ý về Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu ngày 14/2 do VCCI tổ chức, đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh kiến nghị việc cần xác lập vị thế của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cao hơn
Gửi kiến nghị đến VCCI, Bộ Công Thương, ông Giang Chấn Tây mong muốn việc có quy định rõ ràng về mức chiết khấu tối thiểu.
“Cần xem chiết khấu như là phí xăng dầu mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ chứ không phải là vấn đề quá to tát. Thay vì trước đây nộp cho Nhà nước thì nay giữ lại để hoạt động và coi đây là công cụ để giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới”, ông Tây bày tỏ.
Nêu giải pháp để có chiết khấu, ông Tây cho rằng chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần phí phí và lợi ích ở cả 3 khâu, gồm doanh nghiệp đầu mối – thương nhân phân phối – doanh nghiệp bán lẻ.
Ông Hà Thanh Tùng – Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang đại diện cho nhóm 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết nhóm này chiếm 53% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000 cửa hàng).
Chi phí vận hành một cửa hàng xăng dầu trong một tháng khoảng 100 triệu đồng. Trong thời gian qua, mức chiết khấu thấp, doanh nghiệp không có nguồn thu, có thời điểm nhóm doanh nghiệp này thua lỗ tới 900 tỷ đồng/tháng. Ông nói rằng, kinh doanh thì sẽ có lúc lỗ lúc lãi, nhưng lỗ chỉ diễn ra 1, 2 tháng nhưng doanh nghiệp bán lẻ đã lỗ cả năm nay.
Trong nội dung kiến nghị, ông Tùng mong muốn cơ quan nhà nước công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với quyền và nghĩa vụ bình đẳng với thương nhân phân phối, đầu mối thông qua việc tính lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh cho cả khâu bán lẻ.
Cụ thể, ông Tùng kiến nghị chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ được 3-3,5% theo giá xăng dầu, lợi nhuận định mức khoảng 2-2,5%. Đồng thời cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ 3 nguồn để đảm bảo thị trường ổn định, không ai có thể chiếm lĩnh, độc quyền ở thị trường.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nganh-xang-dau-2022-loi-nhuan-dn-san-xuat-dat-dinh-phan-phoi-lao-doc-a594346.html