Sáng 27/2, Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” đã được tổ chức với mục đích thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị để hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chiến lược trong giai đoạn mới.
Tỉ lệ xuất siêu gỗ và lâm sản ở mức cao
Báo cáo tại sự kiện, ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng trên tất cả các mặt: Kinh tế, an sinh xã hội và môi trường”.
Cụ thể, ông Lực cho biết, về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260.000 ha rừng.
Năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD, tỉ lệ xuất siêu cao.
“Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ cabon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp”, ông Lực cho biết.
Về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng đã tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.
Về môi trường, tỉ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì đạt 42,02%; tăng cường quản lý chặt chẽ và dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên; công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào việc đảm đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường…
Tuy vậy, ông Lực cho biết, quá trình thực hiện Chiến lược cũng còn những tồn tại, khó khăn như quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ. Công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai.
Ông Lực chia sẻ: “Việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật, quy hoạch lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đáp ứng được thực tiễn. Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn”.
Đồng thời, chậm đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, sắp xếp công ty lâm nghiệp. Mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng và chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa thật sự tạo động lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn khó khăn.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển chưa bền vững, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, khả năng dẫn dắt, làm chủ thị trường nội địa và mở rộng thị trường quốc tế còn hạn chế; khả năng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu còn chưa chặt chẽ…
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhận định, đứng trước nhiều biến động khó lường như đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị trên thế giới, biến đổi khí hậu, ngành lâm nghiệp cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, tình hình của năm 2024 và những năm tiếp theo để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp.
Từ đó, ông Trị đưa ra yêu cầu: “Ngành lâm nghiệp cần đưa ra các giải pháp nhằm huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, chiến lược đã được phê duyệt”.
Thời cuộc ngành gỗ đã khác…
Chia sẻ tại sự kiện, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định: “Thời cuộc đã khác rất nhiều, các chủ thể tham gia vào ngành lâm nghiệp và công nghiệp gỗ phải có những thay đổi”.
Thời gian qua Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ hơn 100 quốc gia trên thế giới để chế biến, tạo giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc nhập khẩu từ nhiều quốc gia sẽ rất khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc theo các quy định của EUDR, CBAM, VPA… Từ đó, ông Hoài nhấn mạnh: “Ngành gỗ đang được “nội soi” rất kỹ, nếu không tuân thủ các quy định sẽ không thể phát triển”.
Nói về các xu hướng tiêu dùng và thương mại gỗ toàn cầu, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết, các yếu tố tác động đến ngành gỗ bao gồm: Tăng toàn cầu hóa, đời sống kinh tế được cải thiện; kinh tế xanh, tăng cung ứng nguyên liệu sợi và cạnh tranh toàn cầu.
Với xu thế hiện nay, thương mại gỗ tập trung nhiều ở Châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu, các nước đang phát triển có vai trò quan trọng nhiều hơn trong thương mại gỗ toàn cầu. Theo đó, Bắc Mỹ và EU giảm từ 70,51% năm 2006 còn 62,76% năm 2022, mặc dù vẫn còn vị thế rất quan trọng.
Trong bối cảnh đó, ông Hoài nói: “Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm chế biến, thương mại gỗ lớn của thế giới, cần thay đổi mô hình tăng trưởng để giữ được vị thế và tiếp tục phát triển”.
Nhìn nhận về ngành gỗ trong thời gian tới, ông Hoài cho rằng, thương mại xanh, sản phẩm xanh và tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần chủ động thích ứng để duy trì và mở rộng thị trường.
Đồng thời, ông Hoài cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hiện nay cũng là dịp để doanh nghiệp gỗ Việt Nam nhìn nhận và cải thiện quản trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại và hiệu quả kinh doanh.
Các quy định EUDR đã có lộ trình, cần nhìn nhận đây là cơ hội, nếu làm tốt sẽ có thị trường, không thì sẽ không có đầu ra. Do đó, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần khẩn trương chuẩn bị để sẵn sàng thực thi trước tháng 6/2025.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nganh-go-dang-duoc-noi-soi-rat-ky-chu-the-tham-gia-phai-co-thay-doi-a651463.html