Hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, Moscow đang xem xét lựa chọn đưa ra một mức giá cố định cho các thùng dầu của Nga hoặc đưa ra mức chiết khấu tối đa cho các thương hiệu quốc tế.
Cả hai phương án, nếu được thông qua, sẽ được xem xét điều chỉnh thường xuyên, với mục tiêu đem lại cho khách mua dầu của nước này một cơ chế định giá minh bạch, dựa trên cách tiếp cận thị trường và tránh tác động của các biện pháp hạn chế đối với các nước mua dầu của Nga.
Các nguồn tin còn tiết lộ, Nga đang soạn thảo một sắc lệnh tổng thống để cấm các doanh nghiệp Nga, hoặc các thương nhân nào mua dầu của Nga, bán sản phẩm này cho các quốc gia tham gia thỏa thuận áp giá trần.
Các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của phương Tây có hiệu lực từ ngày 5/12. Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, đồng thời cùng với G7 và Australia áp giá trần đối với dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.
G7 đặt ra giá trần là để hạn chế doanh thu của Nga từ việc bán dầu thô, mặc dù việc giới hạn giá dầu ở mức 60 USD/thùng nhiều khả năng sẽ thất bại. Và nếu Nga hạn chế sản lượng để đáp ứng với mức giá trần, thì giá dầu có thể tăng cao hơn, do đó mục tiêu hạn chế doanh thu của Nga sẽ không đạt được.
Về phần mình, Nga tuyên bố không cung cấp dầu thô cho bất kỳ ai tuân theo mức trần giá dầu của G7 và sẽ chỉ bán dầu cho các quốc gia “làm việc với Nga theo các điều khoản thị trường”, ngay cả khi điều đó có nghĩa là giảm sản lượng.
EU và G7 cho biết sẽ xem xét lại giá trần 2 tháng 1 lần, lần xem xét đầu tiên vào giữa tháng 1 tới. Dự kiến đến tháng 2, EU và G7 sẽ áp đặt giá trần với các sản phẩm xăng dầu của Nga, mặc dù mức giá đó vẫn chưa được ấn định.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Lao Động)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nga-xem-xet-ap-dat-gia-co-dinh-cho-dau-tho-xuat-khau-a584462.html