Trong thông báo phát đi ngày 13/3, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm trưởng đoàn đàm phán Nga Sergey Vershinin cho biết, Moscow “không phản đối việc tiếp tục gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 18/3. Tuy nhiên, việc gia hạn sẽ chỉ được thực hiện trong vòng 60 ngày”.
“Lập trường tiếp theo của chúng tôi sẽ được xác định dựa trên tiến trình rõ ràng trong việc bình thường hóa xuất khẩu nông sản của chúng tôi, không phải (bằng) lời nói, mà bằng hành động. Nó bao gồm các khoản thanh toán ngân hàng, hậu cần vận tải, bảo hiểm, không bị đóng băng các hoạt động tài chính và việc cung cấp amoniac thông qua đường ống Tolyatti-Odesa”, trưởng đoàn đàm phán Nga cho biết.
Sau khi Nga thông báo chỉ chấp thuận gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm 60 ngày, Ukraine cho rằng điều này mâu thuẫn với thỏa thuận ban đầu song không bác bỏ đề xuất.
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được biết đến với tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022, dưới vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với hiệu lực thực thi trong 120 ngày, thỏa thuận đã được gia hạn lần thứ nhất vào tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới, trừ khi các bên đồng ý gia hạn.
Thỏa thuận sẽ cho phép duy trì các hoạt động xuất khẩu từ Ukraine và Nga – hai nước vốn đang giữ vị trí là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Chính vì thế, việc duy trì Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được coi là một bước đi quan trọng giúp các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu không bị gián đoạn trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang tiếp diễn.
Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Ukraine ở Kiev vào tuần trước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã thúc đẩy gia hạn thỏa thuận, coi đây là một văn kiện quan trọng góp phần hạ giá lương thực toàn cầu và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực.
Ngày 13/3, ông Guterres tái khẳng định lập trường của Liên Hợp Quốc nhằm duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cũng như nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.
Phản ứng trước kết quả vòng đàm phán giữa các đại diện Nga và Liên Hợp Quốc ở Geneva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đánh giá việc các bên đồng ý gia hạn thỏa thuận là một thời khắc quan trọng trong đàm phán. Ông Price cũng khẳng định Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là một công cụ quan trọng.
Trong khi đó, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric khẳng định, tổ chức đa phương này duy trì cam kết đầy đủ đối với Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đồng thời tiếp tục theo đuổi nỗ lực để thúc đẩy việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Liên Hợp Quốc đánh giá Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là một phần trong phản ứng toàn cầu trước cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt nghiêm trọng. Thỏa thuận cũng được kỳ vọng là sẽ tác động tích cực đến vấn đề an ninh lương thực khi giúp khơi thông hàng triệu tấn ngũ cốc tiếp cận thị trường toàn cầu.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, hơn 24,1 triệu tấn lương thực các loại đã được xuất khẩu theo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, trong đó ngô chiếm 1/2 và lúa mì chiếm 1/4 tổng lượng hàng. Khoảng 45 phần trăm lượng hàng hóa xuất khẩu theo thỏa thuận này được chuyển đến các nước phát triển, trong đó quốc gia tiếp nhận nhiều nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hà Lan.
Minh Hoa (t/h theo BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam, báo Nông Nghiệp Việt Nam)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nga-dong-y-gia-han-thoa-thuan-ngu-coc-them-60-ngay-a597841.html