Hướng di chuyển của các máy bay và phương tiện khác tại khu vực xung quanh một căn cứ vùng Bắc Cực của Nga khớp với những chuẩn bị liên quan tới các cuộc thử nghiệm tên lửa trong năm 2017 và 2018 với tên Burevestnik hoặc SSC-X-9 Skyfall.
Máy bay do thám của Mỹ cũng đã bị theo dõi tại khu vực này trong hai tuần vừa qua, và các cảnh báo hàng không đã được đặt ra, nhằm cảnh báo các máy bay khỏi di chuyển vào không phận này.
Theo Nuclear Threat Initiative, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào kiểm soát vũ khí, Nga đã thực hiện 13 cuộc thử nghiệm từ năm 2017 tới năm 2019 và tất cả các cuộc thử nghiệm này đều thất bại. Những tai nạn liên quan có thể có hậu quả nghiêm trọng. Một tên lửa được phóng trong năm 2019 đã rơi và phát nổ khi được thu hồi, khiến 7 người thiệt mạng.
Daryl G. Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho biết: “Đây là một vũ khí mới, rất nguy hiểm khi còn đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm”. Hiện vẫn chưa rõ Burevestnik đã được thử nghiệm trong khoảng thời gian từ năm 2019 tới nay hay không, nhưng ngay cả khi được phóng thử thành công, tên lửa này cũng vẫn cần được phát triển thêm nhiều năm trước khi sẵn sàng cho “triển khai vận hành”.
Trong những cuộc thử nghiệm trước, tên lửa này chỉ di chuyển được khoảng cách thua xa tầm bắn 14.000 dặm được dự kiến. Quan chức Mỹ cho biết, trong cuộc phóng thử thành công nhất của tên lửa này với thời lượng 2 phút, tên lửa này chỉ bay được 22 dặm trước khi rơi xuống biển. Trong một cuộc thử nghiệm khác, lò phản ứng hạt nhân trên tên lửa không kích hoạt, khiến tên lửa này rơi chỉ vài dặm cách bệ phóng. Để phóng thử thành công, lò phản ứng hạt nhân trên tên lửa cần kích hoạt trên đường bay, giúp tăng cường tầm bay của tên lửa.
Theo báo cáo của Nuclear Threat Initiative, tên lửa này là một “vũ khí tầm tấn công chiến lược, mục đích tấn công đáp trả”, được thiết kế để phóng đáp trả sau khi Nga bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn chứa chất nổ thông thường, nhưng trên thực tế rất có khả năng sẽ mang theo đầu đạn hạt nhân, mặc dù đầu đạn này sẽ nhỏ hơn so với phần lớn các vũ khí hạt nhân khác. Trong thời chiến, tên lửa này sẽ có khả năng phá hủy khu vực dân cư rộng lớn hoặc các mục tiêu quân sự.
Mặc dù Nga không tiết lộ nhiều về thiết kế của Burevestnik, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, tên lửa này sử dụng nhiên liệu nguyên tử. Tên lửa này được cho là sẽ được phóng bằng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, trước khi lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ kích hoạt khi tên lửa đang bay, giúp tên lửa này có khả năng bay gần như không giới hạn.
Burevestnik là một trong số sáu vũ khí chiến lược, bên cạnh các vũ khí như tên lửa đạn đạo Kinzhal và vũ khí siêu thanh Avangard mà ông Putin giới thiệu trong năm 2018. Ông khẳng định, những vũ khí này có thể áp đảo và vượt mặt các biện pháp phòng thủ của Mỹ. Khi nói về các nước phương Tây ông đã phát biểu: “Họ đã không thể kìm hãm được nước Nga”.
Một số hình ảnh vệ tinh trước và sau khi chuẩn bị thử nghiệm mang lại bằng chứng trực quan.
Hình ảnh được chụp vào sáng 20 tháng 9 cho thấy, nhiều xe có mặt tại bệ phóng, bao gồm một xe tải đầu kéo có kích cỡ tương đương với kích cỡ được báo cáo của tên lửa. Một tấm phủ chống thời tiết thường che phủ bệ phóng đã được di chuyển khoảng 15 mét. Trong chiều cùng ngày, xe đầu kéo đã không còn trên ảnh và tấm che phủ đã được di chuyển về vị trí ban đầu.
Các hình ảnh vệ tinh chụp trong ngày 28 tháng 9 cho thấy, nhiều hoạt động tại bệ phóng, một xe đầu kéo tương tự xuất hiện tại đây và tấm che phủ một lần nữa được di chuyển.
Vào ngày 31 tháng 8, chính quyền Nga đã đưa ra thông báo hàng không đề ra “khu vực nguy hiểm tạm thời”, khuyến cáo các phi công nên tránh khu vực Biển Barents cách bệ phóng khoảng 12 km. Thông báo này đã được kéo dài nhiều lần và tính tới Chủ Nhật vừa rồi đã được dự kiến sẽ có hiệu lưc tới ngày 6 tháng 10. Chính phủ Nga đã đưa ra thông báo tương tự khi thử nghiệm Burevestnik trong năm 2019.
Bên cạnh đó, hai máy bay thu thập dữ liệu tên lửa của Nga đã được đỗ 100 dặm về phía Nam bệ phóng từ tháng 8 tới nay tại căn cứ không quân Rogachevo. Các máy bay này được sở hữu bởi Rosatom, công ty năng lượng nguyên tử của Nga. Hai máy bay này đã được đặt tại đây ít nhất tới ngày 26 tháng 9, theo các thông tin hình ảnh vệ tinh. Trong cuộc thử nghiệm Burevestnik năm 2018, các máy bay tương tự cũng đã xuất hiện tại khu vực thử nghiệm.
Máy bay do thám của Mỹ mang tên RC-135W Rivet Joint đã thực hiện hai chuyến bay quanh khu vực bệ phóng vào ngày 19 và 26 tháng 9. Hai chuyến bay này đã đánh dấu tăng cường hoạt động bay so với tần số bay thông thường.
Bản chất bí mật của tên lửa Burevestnik và địa điểm phóng xa xôi khiến rất khó xác định về việc tên lửa vẫn còn đang được chuẩn bị thử nghiệm hay một cuộc thử nghiệm đã được thực hiện từ trước. Mặc dù trong quá khứ các cuộc thử nghiệm Burevestnik đều đã được thực hiện tại căn cứ Bắc Cực, Nga cũng có thể chỉ đang thử nghiệm động cơ tên lửa hoặc một bộ phận của tên lửa.
Nhà Trắng từ chối bình luận về những phát hiện này.
Các chuyên gia cho biết, tên lửa này nguy hiểm không chỉ vì khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân của nó, mà còn cả vì khả năng phát thải phóng xạ nguy hiểm nếu như tên lửa này phát nổ hoặc gặp sự cố khi đang bay.
Nếu được đưa vào sử dụng, Burevestnik sẽ được coi là một phần trong kho vũ khí hạt nhân của Nga, buộc Nga phải thực hiện đúng theo một hiệp ước giảm thiểu vũ khí hạt nhân mà Moscow ký kết trong năm 2011. Thỏa thuận này đặt ra giới hạn về tổng số lượng đầu đạn và phương tiện vận chuyển đầu đạn mà mỗi quốc gia được phép sở hữu.
Nhưng trong tình hình hiệp ước mang tên New START này sẽ hết hạn vào tháng 2 năm 2026, nếu như không có một hiệp ước mới nào được ký kết, ông Kimball tin rằng tên lửa này có thể sẽ góp phần vào “đẩy nhanh quá trình nhấn chìm thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Ông cho rằng nhìn chung việc thử nghiệm tên lửa này “là dấu hiệu cho thấy Nga đang đi sai hướng”.
Nguyễn Quang Minh (theo NY Times)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nga-co-the-dang-chuan-bi-thu-nghiem-ten-lua-nhien-lieu-nguyen-tu-a629412.html