Người Khơ Mú quan niệm, mỗi năm có nhiều cái tết thì càng làm ăn phát đạt, khấm khá. Họ có thể tổ chức tết trong 1 hoặc vài ngày tùy theo điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, để nói về Tết chính của người Khơ Mú thì có 2 cái Tết đó là Tết Grơ và Tết Nguyên Đán.
Tết Grơ – Tết phong tục
Bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn nằm trên đỉnh núi, vào mùa đông Huồi Phuôn chìm trong mây phủ. Đây là bản thuần người Khơ Mú. Dù ở trung tâm xã, nơi văn minh nhất của xã xa xôi nhất huyện Kỳ Sơn, nhưng những nét văn hóa căn cốt nhất của người Khơ Mú vẫn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng người nơi đây.
Ngoài các lễ hội phổ biến như Tết Nguyên đán, Tết độc lập, cộng đồng người Khơ Mú ở xã Keng Đu còn có những ngày lễ riêng của họ, trong đó phải nói đến tết Grơ. Lễ tết này được tổ chức theo từng gia đình, dòng họ từ tháng cuối năm âm lịch.
Nói với chúng tôi về tết Grơ, ông Lương Phò Bi bản Huồi Phuôn 1 gọi là “Tết phong tục”. Điều thú vị, Tết này chỉ diễn ra trong một buổi chiều và 1 đêm với nhiều nghi lễ khá lạ và độc đáo.
Lễ vật của người Khơ Mú trong ngày Tết Grơ nhất định phải có đủ một cặp gà gồm cả con trống và mái, một vò rượu cúng thần, một đĩa trầu cau. Nếu thiếu đi những một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Grơ.
Mâm cơm cúng tổ tiên tưởng như có phần đơn giản nhưng lại cực kỳ chu đáo. Ngoài mọc là món ăn truyền thống không thể thiếu thì nhất định phải có thêm bí đỏ và sắn đã được đồ lên. Người Khơ Mú kể rằng, đây chính là món ăn tượng trưng cho sự no đủ và may mắn trong cả một năm mới. Nhiều năm gần đây, mâm cơm cúng ngày Tết còn có thêm cả cá nướng, thịt lợn và nhiều thực phẩm khác tùy theo nhu cầu của gia đình.
Sau lần uống rượu cần đầu tiên của những người trong dòng họ cạnh bếp dùng làm nghi lễ tín ngưỡng, 2 con gà được bắt về làm lễ cầu may cho năm mới. Sau bài cúng, con gà đầu tiên được cắt mỏ lấy tiết. Người chủ lễ cầm cả con gà bôi tiết lên đầu gối cho từng người. Chủ lấy tiết gà bôi theo chiều từ trên xuống dưới và khẩn cầu cho những điều không tốt đẹp của năm cũ hãy đi ra khỏi người. Khi tất cả mọi người trong gia đình đã được làm nghi lễ này, một con gà khác được cắt mỏ lấy tiết.
Lần lượt từng người lại được chủ lễ bôi tiết gà lên đầu gối. Lần này là chiều từ dưới chân lên đầu gối, kèm với câu khấn cầu cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến vào năm mới. Xong nghi lễ này, người ta mổ cả 2 con gà làm mâm cúng mời tổ tiên về ăn tết. Những người có kinh nghiệm trong bản còn nhìn chân gà để đoán biết sự tốt xấu, dở hay trong năm mới.
Khi màn đêm đã bao trùm không gian làng bản, một lễ uống rượu cần và cúng tế nữa lại diễn ra. Sau lễ cúng này có nghĩa là gia đình đã sang một năm mới. Từ sáng sớm hôm sau cho đến hết ngày, người ta không cho con gái lên nhà. Một người được gia chủ quý mến sẽ được mời xông đất vào sáng sớm hôm sau.
Tết Nguyên Đán cúng vía cho trâu, bò
Với người Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An họ ăn tết cũng có nhiều khác biệt so với các đồng bào dân tộc khác. Trong quan niệm của người Khơ Mú, Tết Grơ là tết quan trọng nhất nhưng Tết Nguyên đán cũng được xem là một trong những cái tết không thể thiếu.
Ngồi trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Khơ Mú, ông Moong Văn Chái (SN 1944), trú tại bản Na Nhắng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), là cựu chiến binh đang lật từng trang sách đã nhàu và chậm rãi kể về cách ăn Tết Nguyên Đán của người Khơ Mú.
Từ xa xưa, người Khơ Mú đã biết tổ chức ăn Tết Nguyên Đán như bao đồng bào dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Vào dịp tết đến xuân về, người người, nhà nhà của đồng bào Khơ Mú đều cảm giá vội vàng, hối hả để chuẩn bị cho ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Trong phong tục cúng ngày tết của người Khơ Mú cũng như những đồng bào dân tộc khác, đó là cúng tổ tiên, thần linh… Ngoài ra, người Khơ Mú còn có lễ cúng vía cho con trâu, con bò với mong muốn đàn vật nuôi của gia đình mình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt trong một năm mới.
Mâm cúng vía cho con trâu con bò của người Khơ Mú được chuẩn bị khá chu đáo, trong đó có rượu, có hương, có xôi… Lễ vía cho trâu bò thường được tổ chức sau ngày cúng thần linh, tổ tiên.
Người Khơ Mú cúng tổ tiên ngày tết vào ngày 1 tháng Giêng. Vào ngày mùng 1, tất cả mọi người trong gia đình tập trung bên mâm cúng để tổ chức cúng vía. Lễ vật để chuẩn bị cho mâm cúng của người Khơ Mú cũng khác so với mâm cúng của người Mông, người Thái. Đối với người Thái, món ăn không thể thiếu được trong mâm cúng ngày tết chính là món cá thì người Khơ Mú đòi hỏi phải có con gà. Nếu thiếu con gà, mâm cúng sẽ không còn ý nghĩa. Trong mâm cúng ngày đầu năm mới của người Khơ Mú phải có 3 con gà, trong đó 1 con gà luộc, 2 con gà còn sống.
Sau khi các nghi thức về cúng vía, cúng ma, cúng trâu bò… đã xong xuôi, mọi người trong các gia đình đồng bào Khơ Mú bắt đầu đi du xuân, vui chơi hàng xóm và giao lưu các bản, các làng với nhau. Vào dịp đầu năm mới cũng là thời khắc “vàng” của các đôi trai gái tìm hiểu nhau.
Tết của người Khơ Mú sẽ được kéo dài đến 10 ngày. Khi tiếng sấm bắt đầu xuất hiện cũng là lúc người Khơ Mú bắt đầu làm lễ cầu mùa, cầu cho một năm mới sản xuất bội thu.
Trong hoạt động đón tết của người Khơ Mú nổi bật lên 2 yếu tố đó là hoạt động cúng tế và vui chơi, ăn uống. Trong đó, hoạt động về phần cúng tế được xem là hoạt động quan trọng và mang nhiều nét riêng so với các đồng bào dân tộc khác.
HỒ PHƯƠNG
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/net-dep-ngay-tet-cua-nguoi-kho-mu-a589599.html