Nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái khi cú sốc giá năng lượng năm ngoái ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.
Dữ liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố hôm 25/5 cho thấy, sản lượng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 0,3% trong quý I năm nay, sau khi giảm 0,5% vào cuối năm 2022.
Destatis đã hạ cấp ước tính trước đó về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bằng 0 so với quý trước. Một cuộc suy thoái được định nghĩa là 2 quý liên tiếp sản lượng giảm.
“Tình trạng tăng giá cao kéo dài tiếp tục là gánh nặng đối với nền kinh tế Đức vào đầu năm nay”, Destatis cho biết. “Điều này đặc biệt được phản ánh trong chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, đã giảm 1,2% trong quý I/2023”.
“Thực ra, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái vào cuối năm ngoái do cú sốc giá năng lượng đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng”, ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng Khu vực đồng Euro (Eurozone) tại Pantheon Macroeconomics, cho biết trong một lưu ý cho khách hàng.
Ông nói thêm rằng khó có khả năng GDP của Đức sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới, “nhưng chúng tôi cũng không thấy sự phục hồi mạnh mẽ nào”.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế ở Đức có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì dữ liệu khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy vào đầu tuần này rằng hoạt động kinh doanh ở nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã mở rộng trở lại vào tháng 5, bất chấp sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực sản xuất.
Diễn biến kinh tế mới nhất diễn ra trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất cao trên toàn khu vực. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 15/6 tới. ECB đã tăng lãi suất thêm 375 điểm cơ bản kể từ tháng 7 năm ngoái.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cho biết vào đầu tuần này rằng ECB có “một số” đợt tăng lãi suất sắp tới.
Minh Đức (Theo CNBC, CNN)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nen-kinh-te-dau-tau-chau-au-suy-thoai-a609520.html