Chủ động hơn về nguồn biên chế
Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tham gia góp ý, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cơ bản như trong tờ trình của Chính phủ.
Góp ý về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô (Chương II), đại biểu Tạ Thị Yên nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
“Tôi đồng ý việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật”, bà Yên nói.
Về số lượng biên chế, theo bà Yên cho rằng, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.
Do đó, đại biểu cho rằng cần những nội dung quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định biên chế. Nguồn biên chế dự phòng được lấy từ nguồn nào?
Bà Yên cho hay, nếu quy định như dự thảo Luật hiện tại là giao cho HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm, thì vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.
Vì vậy, bà đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng “giao cho HĐND Thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thành phố”.
“Quy định như vậy sẽ giúp Thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương”, đại biểu nói.
Tăng số lượng đại biểu là phù hợp với quy mô dân số
Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỉ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%, đây được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc tăng từ 2 lên 3 Phó Chủ tịch HĐND thành phố và mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khá phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này.
Bà cũng đồng ý với quy định tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách lên 25%, theo đó tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu với lý do Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số đông thứ 2 cả nước.
Song, đại biểu thấy rằng với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số thì các hình thức, phương pháp, công cụ đại diện cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá, dự thảo Luật lần này đã bám sát các quy định tại Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030, bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô đã được Chính phủ thông qua, tổng hợp được những vấn đề tồn tại, bất cập trong thực hiện Luật Thủ đô (2012) để xây dựng các chính sách đặc thù có tính khả thi cao.
Vị đại biểu cũng đánh giá, dự thảo đã tập trung phân cấp, giao quyền quy định trách nhiệm của Thủ đô. Để phát huy vai trò cộng đồng, Hội đồng nhân dân, dự thảo đã quy định tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết (125 đại biểu).
“Số lượng này so với bình quân cả nước là còn thấp hơn. Hơn nữa dự báo dân số Hà Nội cao hơn so với quy hoạch đã định (quy hoạch điều chỉnh đến 2030 không phải 9,2 triệu dân mà có thể tới 14 triệu), nên cần nghiên cứu thêm”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu.
Cũng theo đại biểu, trong dự thảo đã đề cập đến chính quyền Thành phố thuộc Thành phố (điều 13 – 14 dự thảo) là cần thiết. Song, ông cho rằng dự thảo còn nêu nhiều nguyên tắc chung chưa đề cập chính sách đặc thù để phát huy vai trò mô hình chính quyền mới này như vai trò lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, sử dụng tài sản công…
Từ đó, vị đại biểu đề nghị tham khảo bài học kinh nghiệm từ Tp.Thủ Đức thuộc Tp.Hồ Chí Minh và các quyết định đã được Quốc hội cho phép với Tp.Thủ Đức (tại Nghị quyết 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh).
Phát huy lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng nhấn mạnh, tiềm năng tri thức, nhân lực chất lượng cao của Hà Nội là rất lớn. Hà Nội có tới khoảng 70% tri thức cả nước, có gần 80 trường đại học và nhiều viện Nghiên cứu quốc gia. Do đó, cần được tập hợp, phát huy lợi thế.
Theo ông, đây cũng là nội dung được xác định là nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Trong 8 nhiệm vụ đã nêu thì có tới 3 nhiệm vụ đề cập cụ thể đến yêu cầu: Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tiềm năng về văn hóa, khoa học, công nghệ…
Cũng theo đại biểu, trong dự thảo đã đề cập đến một số chính sách cụ thể như: ưu tiên phát triển một số lĩnh vực, chính sách hỗ trợ ngân sách, hình thành các trung tâm quốc gia… Song vẫn chưa đầy đủ so với Nghị quyết 15 và Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức.
“Đề nghị xem xét, bổ xung một số nội dung cụ thể như bố trí ngân sách, ưu đãi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm. Ưu đãi trong chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo tồn di sản đô thị”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu rõ.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nen-giao-cho-hdnd-tp-ha-noi-chu-dong-quyet-dinh-bien-che-can-bo-a635273.html