Theo báo Tin Tức, một khoang tàu vũ trụ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã được thả bằng dù xuống sa mạc bang Utah của Mỹ ngày 24/9, mang theo mẫu vật lấy từ bề mặt tiểu hành tinh Bennu gần Trái Đất. Đây là mẫu vật lớn nhất thu thập được từ trước đến nay trên bề mặt một tiểu hành tinh.
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx đã thả khoang chứa mẫu vật khi đang di chuyển trong phạm vi cách bề mặt Trái Đất 107.826 km. Khoang tàu rơi xuống khu vực được chỉ định ở thành phố Salt Lake trong thao trường Utah của quân đội Mỹ.
Nhóm các nhà khoa học và kỹ thuật viên đã túc trực để lấy mẫu vật. Khoang tàu và mẫu vật được trực thăng đưa thẳng đến một “phòng sạch” ở bãi thử nghiệm Utah để kiểm tra ban đầu.
Theo kế hoạch, ngày 25/9, mẫu vật sẽ được máy bay vận tải quân sự đưa đến Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston. Ngày 26/9, hộp chứa mẫu vật sẽ được mở để chia mẫu vật thành các gói nhỏ gửi đến khoảng 200 nhà khoa học ở 60 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.
Đây là mẫu vật lớn nhất thu thập được từ trước đến nay trên một tiểu hành tinh và là mẫu vật tiểu hành tinh thứ 3 được mang về Trái Đất phân tích, sau hai sứ mệnh tương tự của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản năm 2010 và 2020.
Mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu ước tính nặng 250 gram, nặng hơn nhiều so với mẫu vật 5 gram được mang về từ tiểu hành tinh Ryugu năm 2020 cũng như mẫu vật nhỏ bé được mang về từ tiểu hành tinh Itokawa năm 2010.
Theo Tiền Phong, tàu vũ trụ Osiris-REx được phóng lên vào tháng 9/2016 và lên đến Bennu năm 2018, sau đó quay quanh tiểu hành tinh này trong gần 2 năm. Cuối cùng, con tàu tiếp cận đủ gần để lấy được mẫu đất đá bằng cánh tay robot vào ngày 20/10/2020.
Con tàu rời Bennu từ tháng 5/2021 để thực hiện hành trình dài 1,9 tỷ km trở về Trái đất, với hai chuyến bay quanh quỹ đạo Mặt trời.
Đào Vũ (T/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nasa-da-dua-mau-vat-tieu-hanh-tinh-bennu-ve-trai-dat-a628127.html