Lái xe qua Moldova vào cuối mùa hè, người ta có thể nhìn thấy những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực trên khắp đất nước. Đó không chỉ là một cảnh đẹp, bởi ở đất nước nông nghiệp này, hạt hướng dương đóng một vai trò kinh tế quan trọng.
Hoa hướng dương chiếm 25% tổng diện tích đất trồng trọt ở Moldova, nhưng nông dân nước này đang ngày càng khó xuất khẩu hạt hướng dương ra thị trường quốc tế do những nút thắt trên đường vận chuyển.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang ở Biển Đen, khiến vùng biển này về cơ bản bị đóng cửa với các tàu hàng và buộc Ukraine phải dựa nhiều hơn vào các tuyến đường khác quá cảnh qua các nước láng giềng để xuất khẩu nông sản.
Thực tế hàng ngày
Các tài xế xe tải từ Ukraine – cường quốc nông nghiệp ở châu Âu – đang cố gắng vượt qua cửa khẩu biên giới Giurgiulesti ở phía Nam Moldova để đến các cảng của Romania.
“Chúng tôi đã đợi ở đây 4 ngày rồi”, một tài xế xe tải người Ukraine nói với Euronews hôm 19/11.
Trong ngần ấy thời gian tài xế này chỉ di chuyển được 600 m với chiếc xe chở đầy ngũ cốc. Xung quanh người này, hàng trăm tài xế người Moldova và Ukraine khác cũng đang mắc kẹt.
Với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nơi đây đã trở thành một trong những điểm nghẽn xuất khẩu nông sản ở khu vực Biển Đen.
Người Ukraine chờ đợi ở Moldova để được thông quan sang Romania. Theo Bộ Kinh tế Moldova, họ có thể phải xếp hàng trung bình 5-7 ngày. Ở Romania, ngũ cốc được đưa đến cảng Constanta và từ đó đi khắp thế giới bằng tàu chở hàng.
Hải quan Romania không thể đưa tất cả xe hàng vào khu vực thông quan, vì vậy hầu hết việc chờ đợi đều diễn ra ở Moldova, một điểm trung chuyển quan trọng đối với nông sản Ukraine.
Các tài xế tụ tập thành từng nhóm bên đường, trông có vẻ mệt mỏi và kiệt sức. Một số ngồi im lặng trên cỏ, một số chia sẻ thức ăn và xì xầm trò chuyện. Các tài xế cho biết, do không có nhà chờ, họ phải dùng bụi cây làm nhà vệ sinh và nước trong bình để vệ sinh cá nhân.
Nhiều người đã đi hàng trăm km từ Ukraine để rồi bị mắc kẹt ở đây. Thực tế hàng ngày ở Giurgiulesti hiện nay là điều chưa từng xảy ra trước đây.
Chỉ trong tháng 10, 1.307 xe tải chở hàng đã vượt qua biên giới Ukraine-Moldova qua cặp cửa khẩu Reni-Giurgiulesti, bà Mailin Aasmäe, đại diện Phái bộ Hỗ trợ Biên giới của EU tại Moldova và Ukraine, cho biết.
Và chưa có dấu hiệu kết thúc cho cuộc khủng hoảng. Thời gian chờ đợi trung bình đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 9, từ 137 giờ lên 269 giờ, bà Aasmäe cho biết thêm.
Ảnh hưởng gián tiếp
Ngũ cốc vẫn được xuất khẩu chủ yếu qua Biển Đen cho tới khi thỏa thuận giữa Ukraine và Nga sụp đổ. Kể từ khi Moscow rút lui khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, vùng biển này đã không còn an toàn cho các tàu hàng.
Vì rất nhiều ngũ cốc Ukraine đang chờ xuất khẩu, nên sau đó tuyến đường vận chuyển trên đất liền trở nên nhộn nhịp hơn. Và Moldova cung cấp một trong những cảng an toàn đầu tiên, GIurgiulesti, cho những chuyến hàng đó.
“Không có gì nguy hiểm bay trên đầu chúng tôi ở đây”, tài xế xe tải người Ukraine cho biết. “Ở Ukraine, bất kể chúng tôi ở đâu trong đất nước, luôn có mối nguy hiểm rình rập trên đường”.
Ngay cả nhân viên cảng Moldova cũng nhìn thấy bom nổ ở phía Ukraine, tại cảng Reni, cách đó khoảng 10 km, nên việc để xe tải xếp hàng dài ở phía Ukraine là không an toàn. “Do đó, chúng tôi để họ vượt qua biên giới tiến vào xếp hàng trên địa phận Moldova”, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Số hóa Moldova Viorel Garaz giải thích.
Nhưng hành trình của các tài xế Ukraine không kết thúc ở đây. Họ cần lái xe đến nước láng giềng Romania nơi có cảng Constanta mà từ đó ngũ cốc được chất lên những con tàu lớn. Ông Grigore Baltag, nhà phân tích kinh tế tại Bộ Nông nghiệp Moldova, cho biết rằng hơn 90% quá trình vận chuyển ngũ cốc và hạt có dầu qua Moldova diễn ra ở Giurgiulesti.
Nhưng đây mới là vấn đề: Năng lực thông quan của Hải quan Romania là hạn chế, nên các tài xế phải chờ ở Moldova, ông Garaz cho biết.
Xung đột ở Biển Đen từ đó đã gián tiếp ảnh hưởng đến nông dân Moldova – trụ cột của nền kinh tế đất nước. Đối với họ, việc xuất khẩu ngũ cốc đã trở nên khó khăn hơn.
Ai cũng muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường bằng mọi cách có thể, vì vậy các nhà xuất khẩu Moldova không thể cạnh tranh với ngũ cốc giá rẻ của Ukraine. Kể từ năm 2022, số nước xuất khẩu ngũ cốc của Moldova đã giảm từ 25 xuống 14.
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, Chính phủ Moldova đang tạo ra một hệ thống xếp hàng điện tử kết nối với các cơ quan hải quan Ukraine và Romania.
Trong khi đó, các tài xế xếp hàng liên tục gọi điện cho người thân và nghe tin về các vụ đánh bom ở quê nhà. Vì vậy, ngay cả khi họ phải mắc kẹt ở biên giới nhiều ngày, họ vẫn thấy an toàn hơn.
Moldova là nước xuất khẩu nông sản lớn. Nước này nằm kẹp giữa Ukraine và Romania, không tiếp giáp Biển Đen, nhưng vẫn có cảng quốc tế nhỏ là Giurgiulesti, sông Dniester chảy qua lãnh thổ và sông Prut nằm ở biên giới với Romania – một quốc gia thành viên NATO.
Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người vào khoảng 5.200 USD/năm, Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu. Tỉ lệ lạm phát của nước này lên tới đỉnh điểm là 34% kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và nguồn cung nhiên liệu từ Nga bị gián đoạn.
Minh Đức (Theo Euronews, Atlantic Council)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nan-nhan-gian-tiep-cua-xung-dot-nga-ukraine-o-bien-den-a636774.html