noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môNăm 2023, tổng doanh thu của các DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ...

    Năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng

    Hết năm 2023, Việt Nam có 676 DNNN, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

    Còn DNNN thua lỗ, chưa có dự án mang tính lan toả

    Báo cáo tại cuộc gặp đầu xuân các DNNN tiêu biểu sáng 3/3 do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

    Tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; trong đó doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng Công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ DNNN.

    Lợi nhuận trước thuế khoảng 125.800 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách Nhà nước ước thực hiện khoảng 166.000 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

    Kinh tế vĩ mô - Năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng

    Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP).

    Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Bộ trưởng cho biết hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số hạn chế.

    Trong đó, một số doanh nghiệp chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, một số DNNN hoạt động còn thua lỗ; chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới.

    Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan; một số vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được kịp thời tháo gỡ; các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong nền kinh tế thị trường.

    “Pháp luật hiện hành về DNNN nói chung chưa thật sự phân cấp, chưa trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp chủ động quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh”, ông Dũng nói.

    Nỗ lực để DNNN hoạt động hiệu quả tương xứng với nguồn lực

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Để các DNNN phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01, các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp.

    Đối với các Bộ ngành, địa phương, cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.

    Kinh tế vĩ mô - Năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng (Hình 2).

    Đại diện các DNNN tiêu biểu tại cuộc gặp đầu xuân với Thường trực Chính phủ (Ảnh: VGP).

    Bên cạnh đó cần hoàn thành trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước; các cơ chế, chính sách đặc thù để các DNNN quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DNNN.

    Với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa Luật vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế – xã hội và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của DNNN.

    Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) theo hướng có giải pháp cho DNNN chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh gắn với trách nhiệm và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…

    Bộ KH&ĐT phấn đấu hoàn thiện trình Chính phủ Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”;

    Đồng thời hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mới nổi theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các lĩnh vực tạo động lực mới cho tăng trưởng (Năng lượng mới, năng lượng tái tạo: điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, ô tô điện, chíp bán dẫn…).

    Với các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp tại địa phương theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh.

    Đối với các DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm đã được phê duyệt, trong đó tập trung vào các dự án đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa tới sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành, địa phương. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

    Các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong đi đầu trong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế; ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

    Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU