Ngày 25/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06.
Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao; các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, thông tin…
Thủ tướng nêu rõ năm 2023 dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn thời cơ, thuận lợi. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Trong đó Đề án 06, là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân.
Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng), 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án 06.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án 06. Trong đó, khẩn trương hoàn thành cung cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp, mã định danh cá nhân và thực hiện nhiệm vụ phát sinh cần thiết để triển khai hiệu quả mục tiêu chung của Đề án 06. Trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng định danh, xác thực điện tử, tích hợp các dịch vụ thiết yếu để dần thay thế các giấy tờ liên quan đến công dân. Phấn đấu đến quý II/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Ngoài ra, Bộ Công an tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí” trước khi triển khai, nhân rộng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng.
“Năm 2023 là năm ‘Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới’ với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nam-2023-la-nam-tao-lap-va-khai-thac-du-lieu-de-tao-ra-gia-tri-moi-a587357.html