Thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng tháng thứ ba liên tiếp do giá trị xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu. Khoảng cách giữa thương mại hàng hóa và dịch vụ đã tăng 2,7% lên 70,5 tỷ USD, mức lớn nhất trong 4 tháng.
Các số liệu không được điều chỉnh theo lạm phát. Giá trị nhập khẩu giảm 1,5%, trong khi xuất khẩu giảm 2,7%, đều phản ánh thương mại hàng hóa giảm.
Trên cơ sở điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng lên 104,6 tỷ USD, cũng là mức cao nhất trong 4 tháng.
Xuất khẩu hàng tiêu dùng, xe có động cơ và thiết bị sản xuất của Mỹ đều giảm trong tháng 2/2023.
Trong khi thâm hụt thương mại hàng hóa tăng thì thăng dư dịch vụ của Mỹ cũng tăng. Xuất khẩu du lịch, hay chi tiêu của du khách đến Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 3 năm.
Nhập khẩu du lịch, thước đo người Mỹ đi du lịch nước ngoài hầu như không thay đổi. Nhập khẩu hàng tiêu dùng lần đầu tiên giảm trong 3 tháng trên cơ sở điều chỉnh lạm phát.
Nhập khẩu xe cơ giới cũng giảm. Sự sụt giảm trong cả xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy nhu cầu yếu đi, đặc biệt đối với hàng hóa, trong và ngoài nước trong bối cảnh xu hướng chỉ tiêu cho dịch vụ đang diễn ra cũng như triển vọng kinh tế không chắc chắn.
Theo ước tính trước đó của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Atlanta, xuất khẩu ròng sẽ tăng thêm 0,44 điểm phần trăm trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1/2023. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc, trên cơ sở điều chỉnh, đã tăng lên 25,2 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 tháng.
Trước đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố vào đầu tháng 2 cũng cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này trong năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Cụ thể, trong tháng 12/2022, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 10,5% so với tháng trước đó, lên mức 67,4 tỷ USD. Trong tháng 12/2022, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ đạt 250,2 tỷ USD, giảm 2,2 tỷ USD so với tháng trước đó, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước này tăng 4,2 tỷ USD, lên mức 317,6 tỷ USD.
Tính theo năm, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2022 của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 948,1 tỷ USD (tương đương 3,7% GDP), cao hơn mức 845 tỷ USD (3,6% GDP) năm 2021.
Theo Bộ Thương mại nước này, năm 2022, mặc dù xuất khẩu của nước này tăng 453,1 tỷ USD lên 3.000 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng tăng tương ứng 556,1 tỷ USD lên 4.000 tỷ USD.
Sự tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ đã khiến hàng hóa do nước này sản xuất trở nên đắt đỏ trên thị trường quốc tế.
Đồng USD đã tăng giá hơn so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ kể từ cuối tháng 12/2021 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiến hành chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua để kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng làm xói mòn nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Mỹ.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/my-tham-hut-thuong-mai-gia-tang-thang-thu-ba-lien-tiep-a601731.html