Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 4/8, rằng Washington đang tạm dừng “một số chương trình hỗ trợ nước ngoài mang lại lợi ích cho chính phủ Niger”.
“Như chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu về tình huống này, việc cung cấp hỗ trợ của Mỹ cho chính phủ Niger phụ thuộc vào việc quản lý dân chủ và tôn trọng trật tự hiến pháp”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố.
Ông Blinken không nói rõ những chương trình nào sẽ bị ảnh hưởng, nhưng cho biết hỗ trợ nhân đạo và lương thực, cũng như các hoạt động ngoại giao và an ninh để bảo vệ nhân viên Mỹ, sẽ tiếp tục.
“Điều này phù hợp với các bước mà Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh châu Phi đã thực hiện. Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục xem xét sự hỗ trợ và hợp tác nước ngoài khi tình hình trên thực địa phát triển phù hợp với các mục tiêu chính sách và hạn chế pháp lý của chúng tôi.”
Ngoài ra, ông cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động ngoại giao và an ninh tại quốc gia “ở những nơi có thể thực hiện được”.
Các sĩ quan thuộc lực lượng bảo vệ tổng thống của Niger hôm 26/7 đã bắt giữ Tổng thống Niger Bazoum và tuyên bố họ là những nhà lãnh đạo mới của quốc gia.
Cuộc đảo chính xảy ra như một cú sốc đối với các chính phủ Mỹ và châu Âu vốn đã hợp tác chặt chẽ với quân đội của ông Bazoum và Niger trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo ở khu vực Sahel của châu Phi. Kể từ năm 2012, Mỹ đã chi hơn 500 triệu USD để xây dựng và huấn luyện các lực lượng vũ trang của Niger.
Mặc dù vẫn chưa rõ việc đóng băng viện trợ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động này, nhưng các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng các hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở Sahel phụ thuộc vào việc trả tự do cho ông Bazoum.
Theo Chỉ số khủng bố toàn cầu năm nay, Sahel hiện chiếm 43% số ca tử vong do khủng bố trên thế giới, nhiều hơn cả khu vực Nam Á và Trung Đông cộng lại, và tỉ lệ này đang tăng lên. Liên minh giữa Mỹ và Niger được coi là vô cùng quan trọng để giải quyết các mối đe dọa khủng bố đang gia tăng ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso.
Hôm 29/7, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, cho biết khối này đã đóng băng hỗ trợ ngân sách cũng như hỗ trợ quân sự cho Niger để đối phó với cuộc nổi dậy. Khối này cũng sẽ tiếp tục công nhận Bazoum là tổng thống hợp pháp của đất nước, ông Borrell tuyên bố.
Mỹ cũng đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên không khẩn cấp và các thành viên gia đình rời khỏi đại sứ quán ở Niamey trong tuần này do không chắc chắn về tương lai của đất nước và lo ngại về khả năng xảy ra tình trạng bất ổn ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn dè dặt không gọi cuộc nổi dậy là một cuộc đảo chính, bởi cách gọi này có thể gây ra những hạn chế đối với viện trợ quân sự theo luật của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ không có kế hoạch di chuyển quân nhân hoặc thiết bị ra khỏi Niger, và ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện tại.
Tuyên bố tạm ngừng hỗ trợ của Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày trước khi thời hạn một tuần do ECOWAS đưa ra để chính quyền quân sự Niger khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger và phục chức cho ông Bazoum kết thúc (6/8).
Tổ chức này cho biết, họ sẽ xem xét can thiệp quân sự để lật đổ những kẻ âm mưu đảo chính và khôi phục chế độ dân chủ ở quốc gia rộng lớn thuộc vùng sa mạc Sahara nếu thời hạn đó không được đáp ứng.
Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, Al Jazeera, CNN)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/my-tam-dung-mot-so-chuong-trinh-ho-tro-cho-chinh-phu-niger-a620369.html