Lầu Năm Góc hôm 25/5 phàn nàn rằng Mỹ rất muốn duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự để tránh những hiểu lầm cả trong thời bình và trong thời kỳ khủng hoảng nhưng Bắc Kinh đang từ chối hoặc không bắt máy.
Chiến lược răn đe
Gần đây nhất, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức đối với yêu cầu của Mỹ về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) bên lề một diễn đàn sắp tới ở Singapore, ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington tổ chức hôm 25/5.
“Bộ trưởng Austin và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra yêu cầu gặp Tướng Lý, và yêu cầu đó đã không được trả lời bằng cách này hay cách khác”, ông Ratner nói. “Quả bóng đang ở trong sân của họ vào thời điểm này”.
Mỹ đề xuất cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Đối thoại Shangri-La sẽ diễn ra ở Singapore vào ngày 2-4/6.
Không trả lời trực tiếp yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với ông Lý từ năm 2018 về vai trò của ông trong việc mua vũ khí từ Nga. Trung Quốc lập luận rằng ông Lý sẽ không ngang hàng với ông Austin nếu các lệnh trừng phạt được giữ nguyên, Bloomberg đưa tin trước đó.
Ông Ratner tái khẳng định lập trường của Lầu Năm Góc rằng các biện pháp trừng phạt đối với ông Lý không gây trở ngại pháp lý cho cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời nói thêm rằng mối quan hệ giữa quân đội với quân đội là rất quan trọng để quản lý các cuộc khủng hoảng trong tương lai có thể có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự.
“Một lần nữa, câu hỏi đối với Trung Quốc là liệu chúng ta có cần phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn trước khi xem xét mọi việc một cách nghiêm túc không?”, ông Ratner nói.
Theo vị quan chức Lầu Năm Góc, chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một chiến lược mang tính răn đe nhằm làm cho chi phí xung đột ở eo biển Đài Loan trở nên quá cao đối với Trung Quốc, đồng thời đảm bảo rằng các hoạt động nhằm răn đe không dẫn đến leo thang căng thẳng và phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của các đồng minh và đối tác.
Chính nhờ chiến lược này mà Mỹ tin rằng sẽ không có chuyện một cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan là không thể tránh khỏi và đang cận kề, vì chi phí mà Bắc Kinh phải trả là quá cao vào lúc này. “Và công việc của chúng tôi là giữ nguyên hiện trạng như vậy”, ông Ratner nói.
Đàm phán song phương
Mỹ gần đây đã tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán với các quan chức hàng đầu ở Trung Quốc sau khi mối quan hệ trở nên xấu đi trong những tháng gần đây, đáng chú ý nhất là sau khi một khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Vienna, Áo, vào đầu tháng này.
Gần đây hơn, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ở Washington hôm 25/5.
“Hai bên đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và thực chất về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, bao gồm môi trường tổng thể ở cả hai nước về thương mại và đầu tư cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng”, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm 25/5.
“Bộ trưởng Raimondo cũng nêu lên mối lo ngại về hàng loạt hành động gần đây của Bắc Kinh đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc”, tuyên bố cho biết thêm.
Một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, ông Vương nêu lên những lo ngại chính về các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm cả chất bán dẫn, kiểm soát xuất khẩu và đánh giá đầu tư nước ngoài.
Cả hai bên đã đồng ý thiết lập và duy trì các kênh liên lạc cởi mở, với việc văn phòng của bà Raimondo nói rằng điều đó sẽ giúp “quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm”.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thông tin liên lạc sẽ cho phép trao đổi về các mối quan tâm thương mại kinh tế cụ thể và các vấn đề hợp tác.
Ông Vương cũng dự kiến sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai bên lề cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại APEC tại Detroit kết thúc vào ngày 26/5.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Hindustan Times, Reuters)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/my-goi-trung-quoc-khong-nhac-may-qua-bong-dang-o-san-cua-bac-kinh-a609657.html