Thời gian vừa qua, cổ phiếu DDG của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex) trở thành hiện tượng trên sàn chứng khoán khi liên tiếp giảm sàn. Tuy nhiên, tại phiên giao dịch sáng ngày 10/5, sau 19 phiên giảm kịch biên độ, cổ phiếu DDG đã bất ngờ được “giải cứu” một cách chóng vánh. Dòng tiền bắt đáy ồ ạt đổ vào kéo cổ phiếu này đổi màu từ xanh sàn sang tím ngay trong phiên ATO.
Cụ thể, chỉ sau ít phút mở cửa, hơn 6,4 triệu cổ phiếu, tương đương 10,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của DDG đã được sang tay nhanh chóng. Trong đó, phần lớn lệnh khớp tại mức giá sàn 5.400 đồng/cổ phiếu, tương đương 5,4 triệu cổ phiếu, còn lại rải rác trên các bước giá từ tham chiếu đến trần.
Kết thúc phiên giao dịch sáng này 10/5, cổ phiếu DDG vẫn đang tăng kịch trần lên mức 6.600 đồng/cổ phiếu, số lượng dư mua lên tới hơn 5,8 triệu đơn vị. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu tháng 4, trước khi lao dốc, cổ phiếu này vẫn đang giảm tới 83% thị giá.
Đáng chú ý, tình trạng cổ phiếu rơi sâu như này trái ngược với diễn biến hồi mới niêm yết 18/12/2018, khi giá đóng cửa phiên đầu tiên 15.300 đồng/cổ phiếu và tiến dần tới vùng 42.000 đồng/cổ phiếu trước khi sụt giảm liên tiếp.
Trong khoảng thời gian từ ngày 10/5-5/6/2023, lãnh đạo cùng người thân công ty ồ ạt đăng ký bán ra, bao gồm ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT của DDG; ông Yang Tuấn Anh, phụ trách quản trị công ty; ông Trần Kim Cương, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc và vợ là bà Trần Ngọc Phụng; bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc và con gái Yang Kiều An. Tổng cộng số lượng đăng ký bán ra là hơn 6,1 triệu đơn vị.
Trước đó, DDG có văn bản giải trình về giá cổ phiếu giảm sàn liên tục, theo Ban lãnh đạo DDG, giá cổ phiếu giảm do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, ngoài ra, còn do cung cầu của thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Hiện tại, công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành thành lập vào năm 2010. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp hơi nhiệt – điện. Bên cạnh đó, công ty còn tham gia kinh doanh nhiên liệu biomass và các phế phẩm nông nghiệp dùng làm nhiên liệu đốt trực tiếp hoặc dùng để sản xuất nhiên liệu biomass.
Về bức tranh tài chính, kết thúc quý I/2023, doanh thu thuần của DDG đạt 159 tỷ đồng, giảm 8%, trong khi giá vốn không giảm khiến lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận 12 tỷ đồng, giảm đến 55%. Lãi sau thuế công ty ghi nhận 197 triệu đồng, giảm đến 99% cùng kỳ và là mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Năm 2023, DDG đặt mục tiêu doanh thu dự kiến đạt 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 27% so với thực hiện năm trước. Các chỉ tiêu được xây dựng dựa trên những kế hoạch cung cấp hơi, nhiệt và các sản phẩm khác. Tuy nhiên, so với kết quả quý I, công ty chỉ mới hoàn thành 14% chỉ tiêu doanh thu và 0,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản DDG ghi nhận hơn 1.828 tỷ đồng, trong đó, tài sản cố định chiếm tỉ trọng lớn nhất 44% với 808 tỷ đồng; kế đến là khoản phải thu ngắn hạn hơn 640 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Riêng mục tiền và tương đương tiền công ty chỉ đạt gần 13 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn còn gần 56 tỷ đồng, cả hai khoản này đều giảm nhẹ so với hồi cuối năm 2022.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/mot-co-phieu-bong-tang-tim-sau-19-phien-giam-san-lien-tiep-a607096.html