noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngTài chínhMôi trường đầy rủi ro chính là cơ hội đầu tư

    Môi trường đầy rủi ro chính là cơ hội đầu tư

    Ông Quan Đức Hoàng, CEO Công ty Quỹ A+ cho biết, “Chưa có một quỹ đầu tư nào có cái nhìn tiêu cực về TTCK, đây chính là thời điểm để mua vào”.

    Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy biến động của giới đầu tư khi đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn biến mất, lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực, các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát… Tuy nhiên, tại toạ đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới”, các chuyên gia kinh tế khẳng định nhà đầu tư vẫn có cơ hội gia tăng lợi nhuận nếu như chọn đúng kênh đầu tư.

    Môi trường đầu tư còn “u ám”

    Đánh giá chung về các kênh đầu tư, ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Nhìn lại 2022, nền kinh tế phục hồi rất mạnh qua việc tăng trưởng kinh tế và các ngân hàng mạnh tay cho vay, nhưng, đến cuối năm, nền kinh tế đã có dấu hiệu chững lại do chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố bên ngoài và nội tại của nền kinh tế”.

    Điều này đã thể hiện trên thị trường tài chính như: TTCK mất hơn 30% giá trị; thị trường TPDN và thị trường BĐS đóng băng; thị trường vàng biến động rất mạnh; ngân hàng tăng lãi suất mạnh tay để thu hút vốn do huy động thấp so với tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng phải nới room tín dụng nhiều lần trong năm 2022 cho các ngân hàng.

    Tài chính - Ngân hàng - Môi trường đầy rủi ro chính là cơ hội đầu tư

    Toạ đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới”.

    “Điều này chứng tỏ càng vào cuối năm 2022, kinh tế Việt Nam càng có những khó khăn và những khó khăn này đã kéo dài sang đầu năm 2023”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

    Đồng tình, ông Thái Việt Dũng, Giám đốc Exness tại thị trường Việt Nam cũng đánh giá năm 2023 là một năm đầy biến động của giới đầu tư khi xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp tục, đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn biến mất, lạm phát tăng cao, các trục xoay chính về sự thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước, và chính sách cắt giảm nhân sự hàng loạt ở các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu.

    Các chuyên gia dự báo những vấn đề trên sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm 2023.

    Rủi ro đi kèm cơ hội

    Trước bối cảnh đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, Nhà sáng lập TOPI – Ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính cho hay: “Theo 20 báo cáo của các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới và cách họ nhận định về năm 2023 thì thấy 2 cụm từ lạm phát và suy thoái có tần suất lặp đi lặp lại ở mức cao. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư tại Việt Nam có thể xuất hiện ngay trong quý đầu năm 2023”.

    Đặc biệt, thời điểm quý I, II có đặc trưng lãi suất cao nhằm kiểm soát lạm phát từ thế giới và chính sách thúc đẩy tăng trưởng qua đẩy mạnh đầu tư công. Với đặc điểm này, nhà đầu tư đang ở giai đoạn thiên về các tài sản phòng thủ (tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm), giảm các tài sản tăng trưởng (cổ phiếu, bất động sản…). Do đó, ông Tuấn cho rằng lãi suất đã đạt đỉnh và đây là thời điểm để phân tích chi tiết từng tài sản, sản phẩm đầu tư.

    Tài chính - Ngân hàng - Môi trường đầy rủi ro chính là cơ hội đầu tư (Hình 2).

    “TTCK Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài, vì thế khả năng gia tăng trong nửa cuối năm 2023 là có thể xảy ra”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

    Cụ thể, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực, nhà đầu tư nên lựa chọn trạng thái chờ đợi và quan sát thay vì tham gia vào thị trường.

    Còn thị trường ngoại hối vẫn là “ẩn số” khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tiếp tục có những động thái gia tăng lãi suất. Thị trường tiền gửi ngân hàng có dấu hiệu gia tăng khi các ngân hàng vẫn đua nhau tăng lãi suất huy động vốn, điều này sẽ tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế khi lãi suất ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng lên.

    Riêng đối với thị trường vàng, ông Hiếu nhận thấy khi lạm phát trên thế giới chưa được kiểm soát, giá vàng sẽ bị đẩy lên cao, vì vậy đây là thị trường sẽ có sự phát triển trong năm 2023. Tuy nhiên, hiện giá vàng Việt Nam vẫn cao hơn giá vàng thế giới, nên nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng khi tham gia vào thị trường này.

    “TTCK được dự báo từ nay đến giữa năm 2023 chưa có dấu hiệu phục hồi và chưa thể trở lại mốc 1.500 điểm như năm 2022. Tuy nhiên với mốc 1.000 điểm, TTCK Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài, vì thế khả năng gia tăng trong nửa cuối năm 2023 là có thể xảy ra”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

    Tài chính - Ngân hàng - Môi trường đầy rủi ro chính là cơ hội đầu tư (Hình 3).

    “TTCK là thị trường của niềm tin”, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, A+ Fund phát biểu.

    Để khẳng định hơn cho ý kiến này, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, A+ Fund, chia sẻ thêm, sau khi được tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư lớn, ông nhận thấy tất cả quỹ đều không có cái nhìn tiêu cực vào thị trường, thậm chí còn khuyến khích mua vào tại thời điểm này.

    “TTCK là thị trường của niềm tin. Tuy nhiên, thị trường còn khó khăn nên cần lựa chọn kỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang hoạt động khá tốt. Nhiều yếu tố hỗ trợ như Trung Quốc mở cửa trở lại, hoặc Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội rất lớn mà chúng ta chưa phân tích sâu. Tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt để mua vào”, ông Hoàng đánh giá.

    Kết luận, các chuyên gia đều thống nhất đưa ra khuyến cáo, để kiểm soát rủi ro, nhà đầu tư vẫn nên tái cơ cấu lại danh mục cổ phiếu đầu tư, lựa chọn những cổ phiếu tốt, cổ phiếu có câu chuyện riêng và đặc biệt, cần đầu tư có kỷ luật, cắt lỗ khi cần thiết.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU