Sự việc diễn ra tại khu vực sông Trạm (một nhánh của sông Tiên), thuộc khu vực thôn 2, xã Tiên An – nơi có những tảng đá to nằm giữa sông.
Theo hình ảnh được người dân địa phương ghi lại thì dưới chân một tảng đá lớn hình thành nên một lớp xốp bám bên dưới với màu sắc rực rỡ. Mọi người cho rằng đây là một hiện tượng lạ.
Chia sẻ trên tờ Vietnamnet, ông Văn Chương (86 tuổi, ở thôn 5) cho biết, theo lời người đi trước, hiện tượng này xuất hiện cả trăm năm, và chỉ ngay tại tảng đá này. Điều kỳ lạ, nó không xuất hiện thường kỳ hàng năm mà có thể 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm mới có. Thời gian xuất hiện của “hoa” chừng 10-15 ngày.
Ông Chương thông tin, màu sắc “hoa” thay đổi liên tục, vừa xuất hiện sẽ có màu đỏ, ít tiếng sau chuyển sang vàng, xanh, trắng…
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Tiên An, cũng xác với Thanh Niên rằng hiện tượng đá “nở hoa” thường 5 – 7 năm mới xuất hiện một lần.
“Thời điểm đầu khi hiện tượng này xuất hiện, các nhà khoa học cũng có về kiểm tra, nghiên cứu và đưa ra nhận định đây thực chất chỉ là địa y mọc trên đá. Ðịa y là dạng cộng sinh của nấm mốc và một loại tảo. Theo chu kỳ thì sẽ từ đá tỏa ra chứ không phải là đá “nở” ra hoa”, ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, nghi vấn năm nào đá “nở hoa” thì năm đó thường xảy ra khô hạn (theo nhiều người dân đúc kết) thì chưa có tài liệu chứng minh. Trong quá khứ, có năm đá “nở hoa” thì sau đó xảy ra khô hạn nên mới có suy luận như vậy. Được biết, hiện tượng “Đá nở hoa” xuất hiện gần nhất vào năm 2018 và đến nay mới xuất hiện lại.
Ðịa y là dạng cộng sinh của hai loài: một nấm mốc và một tảo. Hình thức cộng sinh rất đặc biệt, có hình dạng riêng nên Ðịa y có tên giống và loài. Các hình dạng của Ðịa y: hình vảy (crustose), chặt và dán vào giá thể; hình lá với nhiều thùy (foliose) như lá cây; hay hình cành (fruticose ), như bụi cây. Trong Ðịa y, thành phần Nấm thường là Nấm túi, đôi khi là Nấm đảm. Thành phần Tảo thường là Tảo lục, đôi khi là Vi khuẩn lam. Tế bào Tảo phân tán giữa các khuẩn ty Một số khuẩn ty dán chặt vào rong để hấp thu carbohydrat và những chất hữu cơ từ Tảo, còn Nấm thì cung cấp nước và khoáng cho Tảo.
Ðịa y là một dạng thích nghi đặc biệt, chúng có thể sống trong những điều kiện khắc nghiệt. Trên đá chúng là những sinh vật tiên phong, là những tộc đoàn đầu tiên chiếm cứ môi trường mới vì chúng có thể phá hủy đá dần dần do các acid mà chúng tiết ra, và sẽ tạo ra những hạt đất nhỏ. Ðịa y tăng trưởng với một tốc độ rất chậm: Ðịa y dạng vảy tăng trưởng từ 0, 1 mm đến 10 mm /1 năm.
Ðịa y dễ bị tổn hại do chất ô nhiễm không khí và có thể được xem là sinh vật chỉ thị về chất lượng không khí. Ðịa y chỉ sinh sản vô tính, mặc dù thành phần Nấm túi có thể sinh sản hữu tính bằng túi. Một mảnh của Ðịa y được tách ra cho ra Ðịa y mới. Thêm vào đó, một số loài tạo ra những thể sinh sản đặc biệt được gọi là mầm phấn (soredia), là một khối nhỏ gồm các tế bào Tảo được bao quanh bởi các khuẩn ty. Mầm phấn được phát tán bởi gió và nước mưa.
Hải Vân (T/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ly-ky-hien-tuong-da-no-hoa-o-quang-nam-va-su-that-phia-sau-a652220.html