noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngĐầu tưLý do giá chuối xuất khẩu tăng trở lại

    Lý do giá chuối xuất khẩu tăng trở lại

    Sau Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu tiêu thụ chuối của thị trường Trung Quốc tăng cao kéo theo giá chuối trong nước không ngừng tăng lên.

    Theo Công Thương, giá chuối xuất khẩu tại các địa phương thuộc Đông Nam Bộ đang tăng trở lại. Ông Trịnh Hữu Đức – người dân trồng chuối tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây giá chuối cấy mô xuất khẩu của nông dân luôn ổn định ở mức trên 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, còn lãi 5.000-6.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có chuối xuất khẩu đang thu về hơn 100 triệu đồng/ha.

    Theo ông Lê Hữu Thỏa – Chủ xưởng chuối xuất khẩu Thỏa Vân, trung bình mỗi ngày cơ sở đang thu mua khoảng 8 container chuối chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Hiện chuối loại đẹp, cơ sở đang thu mua với giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, giá biến động tùy theo ngày. So với thời điểm trước tết, giá chuối đã tăng 5-6 lần.

    Dự báo về thị trường chuối trong thời gian tới, ông Thỏa cho rằng giá chuối sẽ giữ ổn định, do nguồn cung cấp tại các vùng trồng đang giảm dần, trong khi đó sức mua tại thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao.

    Lý giải nguyên nhân khiến giá chuối tăng mạnh, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này của thị trường Trung Quốc tăng cao kéo theo giá chuối trong nước không ngừng tăng lên. Mặt khác, thời điểm này, nguồn cung chuối cũng không dồi dào như trước.

    Xu hướng thị trường - Lý do giá chuối xuất khẩu tăng trở lại

    Giá chuối xuất khẩu tại các địa phương thuộc Đông Nam Bộ đang tăng trở lại. Ảnh minh họa từ internet 

    “Thông thường thời điểm tiêu thụ chuối mạnh nhất là vào mùa hè. Nhu cầu tiêu thụ cao, song thời điểm này nguồn chuối nội địa của Trung Quốc đã hết. Do đó, giá chuối liên tục tăng trở lại trong những ngày qua”, ông Nguyên cho biết. 

    Theo các cơ sở thu mua, hiện việc thu mua khá thuận lợi, tuy nhiên thời gian tới các cơ sở đóng gói chuỗi sẽ gặp khó về nguồn cung do sản lượng giảm. Bà Đoàn Thị Nhinh – Chủ cơ sở Mười Nhinh (Đồng Nai) cho biết, năm nay nguồn chuối thu mua về không được như mấy năm trước vì điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Nếu như trước 1ha chuối có thể thu được 50 tấn thì giờ chỉ còn 40 tấn.

    “Giá chuối mua của nông dân có thể ký giá chết 11.000-12.000 đồng/kg quanh năm, song các hộ dân phải trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra như chuẩn organic, các tiêu chuẩn về sức khỏe”, bà Nhinh cho biết.

    Theo ông Nguyên, chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc. Dự báo, năm 2024 xuất khẩu chuối đạt khoảng 310 – 312 triệu USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đạt khoảng 200 triệu USD.

    Mặc dù hiện nay chuối đã được xuất khẩu chính ngạch nhưng đa số vào thị trường Trung Quốc, còn những thị trường khác lại xuất khẩu rất ít. Điều này khiến trái chuối xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

    Theo các chuyên gia kinh tế, để xuất khẩu chuối bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng chuối phù hợp và khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích. Lâu nay, nhiều nông dân hay chạy theo những cây trồng đang có giá trị cao trên thị trường mà chưa tìm hiểu kỹ đầu ra nên hay rơi vào rủi ro.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở thêm nhiều thị trường xuất khẩu cho trái chuối cũng như các loại trái cây khác. Như vậy sẽ giảm bớt rủi ro, vì khi thị trường này giảm sẽ có thị trường khác thay thế. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các loại trái cây tươi để nâng giá trị cho sản phẩm và không lo trái cây sản xuất ra không bán được.

    Theo Nhân Dân, theo thống kê, cả nước có khoảng 155.000 ha trồng chuối với sản lượng gần 2,5 triệu tấn một năm. Hiện, cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó, Đồng Nai là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 vùng trồng và 39 cơ sở đóng gói.

    Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác. Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng không tăng diện tích mà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị. Để đạt được điều này, tỉnh sẽ phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí Logistics.

    Đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, chuyển giao các giống chuối đặc sản phù hợp với việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng chuối tươi thông qua thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, chuẩn hóa từ khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng khẳng định: Để sản phẩm trái cây nói chung và chuối nói riêng tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, ngoài nỗ lực tự thân của người trồng, thì rất cần các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới.

    Từ đó, góp phần đưa sản phẩm trái chuối tươi của nước ta ngày càng vươn xa hơn ra thị trường quốc tế. Ngành Nông nghiệp và các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để trái chuối đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định ngày càng khắt khe hơn của các nước nhập khẩu.

    Cơ hội xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc rộng mở khi Nghị định thư về xuất khẩu trái chuối tươi chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết vào tháng 11/2022. Tức là, chuối tươi Việt Nam đã có được tấm giấy thông hành sang Trung Quốc.

    Cùng với đó, một số hệ thống siêu thị tại Nhật Bản đã có kế hoạch tăng nhập khẩu chuối Việt Nam với khối lượng không giới hạn, miễn là các đối tác Việt Nam đáp ứng, bảo đảm chất lượng. Năm 2022, chuối Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ đạt hơn 7 triệu USD, chiếm chưa đầy 1% thị phần nhập khẩu chuối của Nhật Bản, là con số rất khiêm tốn, do đó, còn nhiều dư địa để chuối tươi Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản trong những năm tới.

    Đây cũng chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng chuối mạnh dạn đầu tư bài bản, khoa học, có tiêu chuẩn để đưa trái chuối Việt Nam xuất ngoại ngày càng tăng.

    Đào Vũ (T/h)  

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU