Vừa có vụ một anh tài xế xe xanh bị “cướp” tiền. Quan trọng và khiếp đảm là, clip và ảnh rõ mồn một anh bị “cướp” đâm bằng con dao cán vàng vào đùi… Xem, tôi nhắm mắt rùng mình. Cướp gì mà manh động quá.
Công an vào cuộc, tất nhiên. Và trời ạ, té ra lý do là do anh này… sợ vợ.
Gia đình ở quê khó khăn, không dám bàn với vợ vì (chắc là) thế nào cũng bị phản đối, nhưng là người con hiếu thảo và có trách nhiệm với gia đình, anh bí mật đi vay tiền gửi về phụ giúp, đến kỳ phải trả tiền vay, may thay, vừa lúc vợ đưa tiền đi gửi vào tài khoản. Thế là anh này mang tiền vợ đưa đi trả nợ, rồi đối phó với vợ bằng cách mua con dao cán vàng, tự đâm vào đùi mình, rồi loan tin bị cướp.
Thì càng nể anh này hơn. Là ở khoản chịu đau ấy, chỉ nghĩ đã kinh, bị cướp hoặc người khác đâm đã kinh rồi, đây là tự mình đâm mình.
Nhưng rồi luận ra, té ra cái nỗi sợ… vợ nó lớn hơn nỗi sợ đau do mình lấy dao tự đâm mình.
Các cụ ta ngày xưa ấy, thuở răng đen quần lá tọa chân đất ngủ ổ rơm ấy, dù có khổ có khó, có rị mọ có quê mùa, nhưng có một thứ hơn đứt chúng ta hiện nay, ấy là không… sợ vợ, là nói thì vợ nghe, đe thì vợ sợ, nợ có vợ trả.
Chứ chả ư, mỗi cụ ông thời ấy lấy vài ba vợ. Tới bốn bà như đạo Hồi thì chưa, nhưng hai hoặc ba bà là có. Và các cụ công khai chứ không dấm dúi như vài ba trường hợp bây giờ. Bà cả đội mâm đi hỏi bà hai, bà cả bà hai đội mâm đi hỏi bà ba, rước về, là chuyện bình thường. Các bà sống hòa thuận là bình thường, đẻ con cùng năm là bình thường. Ngay trong giới nhà văn, có bác nhà văn cũng tới mấy bà (chính thức là ba còn ngoài luồng… không biết), khi bác ngồi viết, bà cầm đuốc, bà quạt và bà pha nước hầu. Và văn bác ra tới đâu bán chạy tới đấy.
Khi ăn các cụ cũng tỏ rõ sự ngoan cường. Ấy là ông chồng thường được ăn trước. Mình ông (nếu có quý tử thì may ra được ngồi cùng) trên phản, xếp bằng vểnh râu với cút rượu đĩa lạc, có khi chỉ là quả ổi, trái chuối xanh, nhắm trước, là đà thì vợ hoặc con bưng cơm canh lên, rồi vợ con mới trải mâm ngồi dưới. Nó quý phái, nó uy quyền, nó oai phong, nó lẫm liệt… ngay trong từng bữa ăn rất đạm bạc như thế.
Sáng sớm ông chồng chui ra từ buồng một bà nào đấy, và cất tiếng rền vang phân công công việc trong ngày, bà cả làm gì, bà hai làm gì, các con làm gì, đâu vào đấy, cấm cãi.
Ngay người Tây Nguyên nhé, tiếng là đang chế độ mẫu hệ nhé, là vợ toàn quyền nhé, kể cả việc bắt chồng nhé, nhưng té ra là các ông chồng vẫn quyền uy nhất.
Thì đấy, sáng sớm chồng còn ngáy pho pho là vợ đã dậy, xuống suối gùi nước về, mùa khô Tây Nguyên rất lạnh hoặc mùa mưa thì đường trơn như đổ nhớt, giã gạo (ăn ngày nào giã ngày ấy), nấu cơm rồi mới rón rén gọi chồng dậy ăn sáng. Xong thì vào rẫy, rẫy thường cách nhà vài tiếng đi bộ. Vợ gùi đồ sau lưng, địu con trước ngực. Chồng ngậm cái tẩu, vác con dao trên vai, tung tăng cùng con chó đi trước.
Chưa hết, việc trọng trong nhà, trong làng là chồng quyết. Tới cái nhà rông của làng cũng có 2 cái (nếu làng giàu), nhà rông đực và nhà rông cái. Vợ chỉ được lên nhà rông cái. “Chức” già làng cũng chỉ của đàn ông. Mãi gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử già làng Tây Nguyên mới có 1 già làng nữ, là bà Ksor H’lâm ở Gia Lai. Nhưng bà là đảng viên, là sĩ quan quân đội hàm Thượng úy về hưu, một mặt cũng có uy tín với dân làng vì bà được đi nhiều, hiểu biết hơn mọi người, và nữa, là do chi bộ phân công. Và nữa, bà sống 1 mình.
Nếu lỡ vợ chết, ông chồng Tây Nguyên có quyền làm cái việc mà cánh đàn ông người Kinh từng ao ước, đưa hẳn vào… thơ: “Mía ngọt anh đánh cả bờ/ mít ngon anh chén cả xơ lẫn cùi”, là được… nối dây, tức được lấy cô em vợ. Tất nhiên có anh không may, phải lấy chị vợ, thậm chí là… cô vợ. Nhưng như thế cũng rất oai hùng rồi.
Trời ơi, thế mà rồi giờ, nhìn con cháu các cụ mà xem?
Trở lại cái anh phải tự thương để lừa vợ kia.
Rõ là anh biết mình sẽ thua vợ trong mọi hoàn cảnh, mọi cuộc đối thoại, mọi vấn đề, nên mới phải xử sự một cách hết sức hình sự và thê thảm thế. Nghiệm ra, hầu như chả phải mình anh này như thế. Đa phần trong nhà bây giờ, kiếm tiền nhiều hơn là chồng, nhưng chi tiền là… vợ. Những bà vợ đầy trách nhiệm với gia đình, vô cùng dịu dàng với chồng: Anh cứ đưa tiền em giữ, cần tiêu gì em đưa, dồn về một mối cho nó tập trung, cho nó lũy thừa tiền lên. Và để cuối cùng các ông chồng đều thốt lên: vợ như cái hom giỏ, cho tiền vào thì dễ, rất dễ, nhưng lấy ra thì khó vô cùng.
Anh chàng này, bây giờ lộ bem, ngoài việc bị vợ hành dù đã rất đau rồi, còn đối diện với pháp luật, nhẹ nhất là bị phạt hành chính một khoản nữa, và tức là lại tốn tiền.
Một “bọn” chồng bèn xúi nhau, lập quỹ đen.
Bạn tôi, một gã kỹ sư rất hoành tráng, quần là áo lượt, nhưng trong túi luôn luôn không bao giờ có… tiền. Đơn giản vì là có đồng nào thì vợ đã giữ hộ hết với tư tưởng: Đàn ông biết gì, ra đường là lơ ngơ lắm, bị bắt nạt, bị lừa gạt, cứ đưa hết đây, cần gì vợ mua cho (thực ra lý do giữ tiền nó sờ sờ ra đấy nhưng ai cũng giả vờ… không biết). Kể ra thì vợ cũng sắm cho đầy đủ thật, dù lương cả hai vợ chồng chả đáng là bao nhưng nhờ thu vén nên gã chồng ra đường vẫn sáng láng. Nhưng mà nào có như một cộng một bằng hai, còn bao nhiêu thứ phải tiêu chứ, chả lẽ ra đường gặp bạn uống ly cà phê “ngoài kế hoạch” cũng phải làm tờ trình trình thưa vợ, hay gặp đứa em ở quê kể bà con bị bão muốn móc túi cho mấy đồng lại cũng phải thì thào hạ giọng xin vợ… gã bèn nghĩ cách có quỹ đen. Việc kiếm thêm mỗi tháng dăm trăm đối với gã không khó lắm, nhưng vấn đề là… cất ở đâu?
Tưởng dễ thế nhưng lại vô cùng khó nhé. Cơ quan thì không yên tâm vì chả tin mấy cái tủ chưa đụng vào đã bật cửa. Sếp gã đấy, giấu ở két cơ quan, bị trộm vào nẫng, không khai với công an thì không được, mà khai thì… lộ, thế là ầm ĩ lên. Gấp tờ tiền làm 8 nhét vào góc sâu nhất của ví ư? quên đi nhé, dẫu vợ luôn nói rất tôn trọng chồng nhưng gã để ý ví lão luôn đút thẳng nhưng thi thoảng nó lại… nằm ngang trong túi. Đút vào đế giày ư? thì đã một lần con chó tự nhiên nó lôi ra trước mặt vợ làm lão ê cả mặt. Lần khác lão giắt lên trần nhà. Một hôm đi vắng, mưa dột, vợ kêu thợ đến sửa, về lão phải thanh minh gần chết rằng thằng bạn nó nhờ… giấu vợ nó chứ anh có tiền đâu mà giắt lên đấy, có đồng nào em giữ hết rồi còn đâu?…
Tóm lại là, đời này đàn ông không sợ vợ mới lạ, kể cả người nhân việc anh chàng sợ vợ bèn phải tự thương kia mà đang viết bài này. Bình đẳng rồi nhé, tôi cho con bú thì ông giặt đồ nhé, đừng có tí tởn nhá, cưỡng lại hả, nhẹ thì bạo hành như bao nhiêu vụ báo chí đã đăng, thậm chí là cắt, xẻo, nặng hơn thì “cúp” vài thứ, mặt cứ sưng lên, hoặc thút thít khóc, hoặc ra đầu ngõ nằm giãy đành đạch la làng la nước. Nào có sợ không? Có gã nhìn trước nhìn sau rồi nói thầm: Cọp còn sợ, beo còn sợ, huống gì… vợ.
Nên viết bài này để bày tỏ sự thương cảm thống thiết tới anh chàng giờ đang đối diện với công an và… vợ kia, cũng bởi chàng sợ vợ quá mà thôi.
Và cũng chỉ là viết vui thôi, chứ nghĩ cho cùng, không sợ vợ thì làm sao mà gia đình, và cả xã hội, ổn định được.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/luan-ve-so-vo-a657913.html