Tập đoàn Samsung hôm 7/4 cho biết, họ sẽ thực hiện một đợt cắt giảm sản xuất chất bán dẫn sau khi báo cáo lợi nhuận hoạt động hàng quý dự kiến sụt giảm tới 96% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Samsung đã có đủ số lượng để đáp ứng những thay đổi về nhu cầu chip bộ nhớ trong tương lai. Do đó, chúng tôi sẽ giảm sản xuất chip bộ nhớ (đặc biệt là những sản phẩm có nguồn cung đảm bảo) xuống một mức “có ý nghĩa”, trong khi tối ưu hóa hoạt động của các dây chuyền sản xuất”, Samsung cho biết trong một tuyên bố.
Lợi nhuận thấp kỷ lục
“Gã khổng lồ” công nghệ ước tính lợi nhuận hoạt động giảm xuống còn 600 tỷ won (455,5 triệu USD) trong quý I/2023, thấp hơn 96% so với mức 14,12 nghìn tỷ won một năm trước đó.
Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của Samsung trong 14 năm qua, đồng thời thấp hơn 1,4 nghìn tỷ won so với ước tính trung bình của các nhà phân tích. Doanh thu của tập đoàn có thể giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 63 nghìn tỷ won.
Samsung từng được hưởng lợi trong đại dịch Covid, khi người tiêu dùng bị phong tỏa ở nhà và tích cực mua máy tính và điện thoại thông minh mới.
Tuy nhiên, xu hướng này nhanh chóng bị đảo ngược khi các hạn chế được dỡ bỏ, và nền kinh tế toàn cầu hứng chịu những cú sốc kinh tế do lạm phát gia tăng, lãi suất tăng cao và xung đột ở Ukraine.
Trước tình hình này, người tiêu dùng và doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ, khiến nhu cầu về chất bán dẫn, bao gồm cả chip bộ nhớ cũng giảm theo.
Giá chip DRAM đã giảm tới 20% trong 3 tháng đầu năm, trong khi giá chip flash NAND cũng giảm 15% trong cùng kỳ, theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc).
Cũng theo TrendForce này, giá của 2 loại chip bộ nhớ trên sẽ tiếp tục giảm lần lượt 15% và 10% trong quý II.
Các nhà phân tích ước tính đơn vị sản xuất chất bán dẫn của Samsung đã phải chịu một khoản lỗ kỷ lục 2,1 nghìn tỷ won trong quý I và lỗ thêm 2 nghìn tỷ won trong quý II.
Không từ bỏ
Tuyên bố cắt giảm sản lượng của Samsung là điều các đối thủ cạnh tranh đã chờ đợi từ lâu, do lượng hàng tồn kho chất đống làm ảnh hưởng đến giá cả và lợi nhuận.
Samsung trước đây vẫn đi ngược lại xu hướng giảm đầu tư vào ngành chip để giành thị phần từ các đối thủ, nhưng thông báo về việc cắt giảm sản lượng chứng tỏ mức độ suy thoái thị trường hiện tại.
Tập đoàn Hàn Quốc từng tuyên bố sẽ thực hiện những điều chỉnh nhỏ, ví dụ như tạm dừng sản xuất để cải tiến bộ máy, nâng cao năng suất, chứ chưa bao giờ thông báo cắt giảm sản lượng. Thông báo lần này cũng không tiết lộ quy mô cắt giảm là bao nhiêu.
Theo các nhà phân tích, việc cắt giảm sản lượng của Samsung có thể góp phần cải thiện hiệu suất của hãng trong quý II, đồng thời đẩy nhanh sự phục hồi của giá chip bộ nhớ.
Mặc dù thông báo cắt giảm sản lượng, Samsung cũng nói thêm rằng họ sẽ không từ bỏ chiến lược đầu tư vào bán dẫn của mình.
“Dù đã cắt giảm kế hoạch sản xuất trong ngắn hạn, nhưng khi nhu cầu phục hồi vững chắc hơn trong trung và dài hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mở rộng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để củng cố vị trí dẫn đầu về công nghệ của tập đoàn”, Samsung khẳng định.
Hồi tháng 3, hãng đã tiết lộ kế hoạch chi gần 230 tỷ USD để xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới ở Yongin, phía Nam Seoul, Hàn Quốc trong 2 thập kỷ tới.
Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm đầu tư mạnh vào 6 lĩnh vực công nghệ then chốt, bao gồm chip, màn hình và pin, những lĩnh vực mà các “ông lớn” công nghệ nước này đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Samsung được coi là đầu mối của thế giới công nghệ. Đây là nhà cung cấp linh kiện chính cho các công ty như Apple, và là nhà sản xuất điện thoại thông minh và TV hàng đầu thế giới, đồng thời là một công ty lớn trong nhiều lĩnh vực điện tử tiêu dùng khác.
Tập đoàn dự kiến công bố báo cáo tài chính đầy đủ với thu nhập ròng và thông tin về hoạt động của các đơn vị thành viên vào cuối tháng này.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Reuters, WSJ)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/loi-nhuan-thap-ky-luc-samsung-mien-cuong-cat-giam-san-xuat-a601885.html