Năm 2023 được đánh giá là năm sóng gió của ngành thủy sản Việt Nam, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, tồn kho lớn,… Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp thủy sản ít nhiều bị ảnh hưởng, điều này thể hiện rõ nét trong bức tranh tài chính của từng công ty.
Trước sóng lớn của toàn ngành, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) kinh doanh không mấy khả quan với cả doanh thu và lợi nhuận đều “bốc hơi” mạnh.
Cụ thể, quý IV/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.395 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dưới sự bào mòn mạnh của giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của nữ hoàng cá tra giảm 59% xuống còn 195 tỷ đồng. Cùng chiều giảm trên, doanh thu tài chính của Vĩnh Hoàn đạt 73,8 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, ngoại trừ chi phí bán hàng phát sinh nhẹ, các khoản còn lại đều được Vĩnh Hoàn tiết giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính đạt 37 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 84 tỷ đồng; giảm lần lượt 66% và 47% so với quý IV/2022.
Kết quả, sau khi trừ các chi phí, quý IV/2023, Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế 66 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Giải trình, Vĩnh Hoàn cho biết nguyên nhân là do sản lượng bán và giá bán giảm dẫn đến chênh lệch biến động lợi nhuận sau thuế.
Lũy kế năm 2023, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 10.078 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh báo lãi 949 tỷ đồng, “bốc hơi” tới gần 53% cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng; thấp hơn hẳn so với kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh doanh trên, Vĩnh Hoàn mới chỉ thực hiện được 87% kế hoạch doanh thu và gần 95% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 11.805 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 57% còn 237 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ việc cắt giảm khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Trái lại, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của công ty tăng từ 1.665 tỷ đồng tại thời điểm đầu kỳ lên 1.926 tỷ đồng vào cuối kỳ, tăng 15%.
Tính đến cuối tháng 12/2023, chỉ số hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 28%, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và thành phẩm.
Bên cạnh đó, dư nợ của Vĩnh Hoàn tại ngày 31/12/2023 đạt 3.238 tỷ đồng, giảm 16% so với số đầu năm, giảm chủ yếu do cắt giảm bớt các khoản vay tài chính trong kỳ.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/1, cổ phiếu VHC có giá 63.500 đồng/cổ phiếu, giảm 0,78% so với số tham chiếu.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/loi-nhuan-ca-nam-2023-cua-nu-hoang-ca-tra-vinh-hoan-boc-hoi-53-a646920.html