Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực. Trong đó có 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Điều này cho thấy rõ yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với bà Khuất Thị Bích Liên – Trưởng phòng kinh doanh truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), chi nhánh Đống Đa.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống
NĐT:Thưa bà, xin bà đánh giá về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường nói chung cũng như việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng?
Bà Khuất Thị Bích Liên: Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Môi trường có trong sạch thì sức khoẻ, cuộc sống của chúng ta mới lâu dài và bền vững.
Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường;
Bên cạnh đó, phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… cũng bị chôn vùi trong đất, đặc biệt như rác thải nilon theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy.
Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.
NĐT: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xin bà cho biết điều này mang lại những thay đổi như thế nào trong việc phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải của công ty?
Bà Khuất Thị Bích Liên: Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
Ngoài ra, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi để phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam.
Nhằm hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Hiện nay, Chính quyền địa phương các Quận, huyện tổ chức nhiều buổi họp và đã ban hành các Kế hoạch tuyên truyền công tác phân loại rác tại nguồn.
Như tại quận Đống Đa, Urenco phối hợp tổ chức các buổi họp trình bày phương án tổ chức. Qua đó, UBND quận Đống Đa ban hành các Kế hoạch về việc phòng, chống rác thải nhựa, nilon và tăng cường các biện pháp giảm thiểu nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân huỷ trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND quận Đống Đa ban hành kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 25/5/2023 về việc thực hiện hướng dẫn của Sở tài nguyên và môi trường thực hiện chủ đề “Giải pháp ô nhiễm nhựa” trong đó tập trung chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.
Qua đó, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương các Phường tổ chức các buổi họp tuyên truyền về công tác phân loại rác tại nguồn, nhằm giúp người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng đối với môi trường khi phân loại rác từng loại giảm thiểu được lượng đáng kể rác phải mang đi xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đưa vào nhà máy Điện rác Sóc Sơn, giảm được chi phí vận chuyển, chi phí xử lý rác.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần sự chung tay của tất cả từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là người dân. Có như vậy thì công tác phân loại rác tại nguồn mới đạt được kết quả cao nhất.
NĐT: Thưa bà, việc phân loại, thu gom rác thải tại nguồn mang lại những lợi ích, thuận lợi gì cho các công đoạn xử lý phía sau?
Bà Khuất Thị Bích Liên: Việc phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra nguồn kinh tế tuần hoàn do việc tái sử dụng những mặt hàng có thể tái chế được, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và làm giảm các tác động ô nhiễm đến môi trường.
Mặt khác tiết kiệm được chi phí phân loại, dễ dàng trong công đoạn xử lý và tái chế rác, sản xuất nguồn nguyên liệu có lợi.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
NĐT: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có điểm mới về giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Xin bà cho biết công ty đã tiến hành thu gom,vận chuyển rác thải dựa trên điểm mới này ra sao?
Bà Khuất Thị Bích Liên: Phía Công ty phối hợp với Sở tài nguyên môi trường xây dựng Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Hiện nay, vẫn đang áp dụng giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội.
Chúng tôi rất hy vọng Thành phố và các ban ngành phối hợp tính toán đơn giá dịch vụ đúng đủ để đảm bảo sản xuất và chế độ cho người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công cuộc phân loại rác tốt sẽ giảm được chi phí mà người dân phải đóng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
NĐT: Từ quá trình thu gom rác thải và qua nắm bắt phản ánh từ nhân viên, bà nhận thấy ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải hiện nay như thế nào?
Bà Khuất Thị Bích Liên: Để thay đổi được ý thức của người dân đã tồn tại hàng trăm năm nay cần có sự phối hợp trong công tác tuyên truyền và chế tài xử phạt. Hiện nay, các công nhân của Urenco đang thực hiện rất tốt việc này trong quá trình thu gom, công nhân kết hợp việc phân loại.
Theo Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cần có chính quyền địa phương vào cuộc, tuyên truyền mạnh mẽ công tác phân loại rác và đến 1/1/2025 chế tài xử phạt khi không phân loại rác được áp dụng. Nếu người dân không phân loại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
NĐT: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện theo lộ trình chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Từ đây đến khi xử phạt không còn nhiều thời gian, phía công ty có những phương án tuyên truyền như thế nào về việc phân loại rác thải tại nguồn đến người dân? Và bà có kỳ vọng gì trong việc xử phạt này?
Bà Khuất Thị Bích Liên: Từ năm 2020 đến nay Công ty đã ban hành các Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi họp với Tổ trưởng tổ dân phố, mặt trận tổ quốc, chi hội phụ nữ,… hiểu được tầm quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn.
Ngoài ra vào thứ 7 hàng tuần, chúng tôi cũng đã tổ chức ngày Greenday – Thu mua, đổi rác tái chế lấy quà tặng tại một số điểm truyền thông cố định.
Chế tài xử phạt là để người dân nhận thức được và thực hiện đúng theo các điều luật mà Nhà nước đã ban hành. Khi chế tài được thực hiện, tôi nghĩ đại đa số người dân sẽ thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định giống như việc áp dụng chế tài xử phạt khi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vậy.
NĐT: Theo bà, để luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào thực tiễn đạt được hiệu quả giúp thực hiện điều chúng ta luôn mong muốn là có một môi trường sống xanh, sạch, đẹp thì các đơn vị chức năng cần có sự vào cuộc như thế nào?
Bà Khuất Thị Bích Liên: Theo tôi, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và quan trọng nhất vẫn đến từ ý thức của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phối hợp với URENCO tổ chức tuyên truyền để người dân nắm được Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 45/NĐ-CP.
Nội dung tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu và nắm rõ chế tài cũng như các mức xử phạt khi không phân loại rác.
Chúng tôi cũng kỳ vọng chính quyền ở các địa phương sẽ vào cuộc để giúp tháo gỡ những khó khăn trong công tác phân loại rác tại nguồn thông qua việc nâng cao ý thức người dân.
Đồng thời, việc người dân hiểu thực hiện tốt việc phân loại rác cũng giúp giảm mức chi phí khi thực hiện đề án mới của Sở tài nguyên môi trường về việc ban hành đơn giá mới theo định lượng.
Thông qua đề án mới người dân sẽ phải phân loại rác nếu không muốn phải trả mức chi phí cao cho việc thu gom rác.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
Hoàng Nam – Hoàng Bích
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/loi-ich-tu-viec-xu-ly-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-nguon-a621254.html