Vông đồng (Hura crepitans) hay còn gọi mã đậu, bã đậu, ba đậu tây, ngô đồng, là một loài thực vật có hoa thuộc họ Đại kích (Euphorbiaceae). Chúng phát triển ở hầu hết các vùng nhiệt đới của châu Mỹ, châu Phi, châu Á, đặc biệt là rừng rậm Amazon.
Vông đồng là loài gỗ lớn thường xanh, có thể cao tới 30 m. Loài cây này ưa đất ẩm, màu mỡ, thoát nước tốt. Cây cũng thích nghi được với điều kiện khô hạn. Cây vông đồng hay được trồng để lấy bóng mát ven đường hoặc làm cây che bóng cho các loại cây trồng mục đích chính như ca cao hay va ni. Gỗ của vông đồng có thể dùng để đóng đồ gia dụng, thùng hộp, ván ép.
Đây là loại cây được khuyến cáo không nên tiếp xúc gần bởi chúng là một trong những loài thực vật nguy hiểm nhất hành tinh. Theo các chuyên gia, mọi thứ về loại cây này đều nguy hiểm, từ gai nhọn, chất độc cho tới quả phát nổ.
Quả của cây vông đồng cứng với khoảng 15-20 mảnh hình múi nổi tròn, hạt hình mắt chim, phía trên phủ lớp lông. Nhưng thực ra, nó giống như quả lựu đạn chờ phát nổ.
Khi bị va đập hay rơi mạnh từ trên cao xuống, hạt trong quả có thể văng ra xung quanh với vận tốc lên tới 70m/giây, âm thanh được so sánh với tiếng nổ của súng lục. Những mảnh vỡ có thể bay xa tới 45m. Điều này rất dễ làm tổn thương cho người hoặc gia súc đứng gần đó.
Phần vỏ đầy gai của cây vông đồng cũng là một vũ khí lợi hại, thậm chí được so sánh với thiết bị “tra tấn” thời Trung Cổ. Những chiếc gai hình nón, rộng 1,2 cm ở phần gốc nhọn như đầu kim. Gai nhọn bao phủ từ trên xuống dưới gốc với mật độ dày đặc tạo thành một bộ “áo giáp” không thể xuyên thủng.
Cây vông đồng có hạt, dầu hạt, vỏ thân, nhựa mủ đều rất độc, có tác dụng diệt sâu bọ, đặc biệt chất crepitin có độc tính rất cao. Nếu dính vào da, có thể gây rộp da, bắn vào mắt gây tổn thương mắt và có thể bị mù.
Quả vông đồng độc tới mức chỉ cần cắn một miếng sẽ gây ra nhiều triệu chứng như chuột rút dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy.
Nhựa cây cũng là loại chất độc, tạo ra mẩn đỏ khó chịu nếu vô tình tiếp xúc trên da. Để nhựa dính vào mắt, nó có thể khiến bạn bị mù tạm thời. Người dân trên đảo Java, Indonesia, thường sử dụng nhựa cây làm thuốc trừ sâu, còn người Brazil từng dùng nước sắc từ vỏ trên thân với tác dụng tẩy mạnh. Tương tự, ở Congo, hạt cây cũng dùng làm thuốc tẩy.
Hải Vân (T/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/loai-cay-cuc-doc-co-qua-phat-no-nhu-luu-dan-a651888.html