Phát huy vai trò giám sát
Tại Phiên họp thứ 18, chiều 13/12, UBTVQH xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả, thực chất Xây dựng luật tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về lấy ý kiến các đối tượng tác động.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó, cần làm rõ việc lấy ý kiến nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tinh thần là “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “nhân dân” trong lấy ý kiến nhân dân được xác định như thế nào? là những ai? Có phải gồm người dân và doanh nghiệp… Đây là nội dung cần được làm rõ.
Vấn đề khác là cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Nếu như chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì người dân liệu có thể thấy hết được vấn đề. Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được.
Nhấn mạnh thực chất, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cần làm rõ xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề trong quá trình lấy ý kiến này thì vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo như thế nào? Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội xác định như thế nào…
Chủ tịch Vương Đình Huệ lưu ý các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà các cơ quan của Quốc hội cũng cần có sự chủ động tham gia cùng với đó phát huy vai trò giám sát.
Đồng thời nhấn mạnh, thời gian ngắn, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân tổ chức hợp lý để tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu.
Cần cơ chế phản hồi minh bạch
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, ông Lê Quang Huy bày tỏ băn khoăn vì đây là dự án Luật lớn, nhiều vấn đề phức tạp, xin ý kiến rộng rãi cần phải tính thêm vì thời gian lấy ý kiến trùng vào dịp Tết cổ truyền. Nếu không có cách làm rốt ráo và có phương pháp tốt thì sẽ mang tính hình thức.
Do đó, ông đề nghị cần có cách làm, phương án cụ thể để triển khai lấy ý kiến và nên kéo dài thời gian như trong Tờ trình đến ngày 15/03/2023, thậm chí kéo dài hơn để đủ thời lượng nghiên cứu và thẩm thấu dự án Luật sao cho thấu đáo.
Ông Lê Quang Huy cho biết, việc lấy ý kiến nhân dân các dự thảo, văn bản pháp luật đăng tải trên Cổng thông tin điện tử ít nhất 30 ngày, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lo ngại trong thực tế hiệu quả đem lại không cao.
Muốn lấy ý kiến qua Cổng thông tin điện tử của các địa phương hoặc tổ chức hội thảo, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nêu rõ: “Người xin ý kiến cần phải thực tâm lắng nghe ý kiến, thậm chí ý kiến trái chiều, khác nhau; phải xác định chuẩn nội dung, hình thức, đối tượng, địa bàn. Đồng thời, phải trung thực, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Từ 3 yếu tố đó thì khi tổng hợp mới toát lên được nội dung”.
Góp ý về yêu cầu, ông đề nghị cần phân rã cụ thể nội dung, hình thức, nhóm vấn đề, đối tượng, địa bàn sao cho rõ ràng, mạch lạc và phù hợp với hoàn cảnh của đối tượng. Nếu nội dung, đối tượng, địa bàn không rõ hoặc báo cáo viên không chuẩn bị kỹ thì cũng không thành công.
Băn khoăn sau khi xin ý kiến thì tổng hợp và sử dụng thế nào, ông Lê Quang Huy đồng tình với ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và cho rằng, cần tổng hợp từ nhiều kênh để đảm bảo trung thực, khách quan, ngoài ra đề nghị cần có cơ chế phản hồi minh bạch.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình.
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lay-y-kien-nhan-dan-ve-luat-dat-dai-phai-thuc-chat-tranh-hinh-thuc-a585507.html