Không lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo
Chiều 9/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Tham gia góp ý, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nhất trí cơ bản với dự thảo Nghị quyết, tham gia phát biểu thêm đại biểu quan tâm đến hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo đại biểu, mức tín nhiệm thấp ở mức cao thì miễn nhiệm chức vụ do Quốc hội hoặc do Hội đồng nhân dân bầu.“Còn tư cách của đại biểu Quốc hội, tư cách của đại biểu Hội đồng nhân dân thì ta phải tính thế nào?”, đại biểu nêu câu hỏi.
Do đó, đại biểu kiến nghị trong trường hợp này cũng nên cho thôi làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhưng cách thức như thế nào thì cũng cần có quy định.
“Một đại biểu đã tín nhiệm thấp phải miễn nhiệm chức vụ rồi thì còn có nên làm đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân nữa không?”, đại biểu tiếp tục nêu băn khoăn.
Góp ý nội dung dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ nhưng “nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm”.
Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Hải Anh đề xuất bổ sung việc “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” vào dự thảo Nghị quyết để đảm bảo tính nhất quán trong thực hiện cũng như đánh giá.
Theo đại biểu Anh, “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” là một chủ trương nhất quán đã được quy định trong Hiến pháp và quy định tại nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Do đó, việc bổ sung “kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” vào căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là phù hợp, đảm bảo việc đánh giá toàn diện, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đồng tình với việc bổ sung một số điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn những hành vi vận động, lôi kéo, mua chuộc, trong đó có cả những hành vi như hứa hẹn về vị trí công việc, chức vụ cao hơn.
Đồng thời, đề nghị sửa cụm từ “tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND” thành cụm từ “tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND”, bởi thực tế cho thấy những hành vi này thường được che đậy rất tinh vi. Vì vậy, cần phải quy định điều chỉnh đối với đối với những hành vi không trực tiếp tác động, nhưng lại có thể ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn là việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa và tác động chính trị to lớn, được dư luận cả trong nước và quốc tế quan tâm.
Do vậy, đại biểu Hải Anh cũng đề nghị bổ sung quy định về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thật tốt công tác tuyên truyền thông tin, đảm bảo phương châm chủ động, kịp thời, khách quan, công tâm trên tinh thần xây dựng để cử tri, nhân dân, bè bạn, dư luận và truyền thông quốc tế hiểu rõ đồng tình ủng hộ công tác này, đảm bảo sự thành công toàn diện của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cần làm rõ tiêu chí sự gương mẫu
Tham gia góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là một trong những điểm đổi mới của hoạt động Quốc hội, Hội đồng nhân dân từ nhiệm kỳ trước đã được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi, ghi nhận, đánh giá cao.
Góp ý về các căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết dự thảo Nghị quyết bổ sung tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Nữ đại biểu cho rằng cần cần nhắc rà soát và có thể làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình, gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
“Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, việc xác định quan hệ cha mẹ con có các trường họp con đẻ, con nuôi, con trước thời kỳ hôn nhân nhưng được thừa nhận, trường hợp con chưa thành niên, con đủ 18 tuổi. Các trường hợp này đều có những hệ quả pháp lý khác nhau trong những quy định cụ thể”, bà Nga nói.
Đại biểu đề nghị nên làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật làm căn cứ đánh giá cần có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để tránh việc lợi dụng các yếu tố vi phạm cá nhân của những người thân để làm giảm uy tín của họ trong việc đảm nhiệm các chức vụ được giao.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cũng chỉ rõ, Quy định số 96-QĐ/TW khi đề cập đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ.
Ngoài ra, cũng theo Quy định 96 của Đảng còn có một nội dung cũng đáng lưu ý đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao.
Vì vậy, đại biểu đề nghị đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì kết quả này phải được sử dụng như thế nào và vào việc gì cũng cần phải được thể hiện trong lần sửa đổi Nghị quyết này.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lay-phieu-tin-nhiem-lam-ro-tieu-chi-su-guong-mau-cua-vo-chong-con-a611926.html