Số lao động nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tăng
Báo Công an nhân dân dẫn số liệu thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quý I/2023 tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3 tăng gần 70% so với tháng 2.
Nguyên nhân thất nghiệp do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, công ty giải thể. Người lao động cảm thấy công việc không còn phù hợp; khi người lao động hết hạn hợp đồng không được doanh nghiệp ký lại…
Mặc dù tỉ lệ nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở mức cao, nhất là từ khi có dịch Covid-19 nhưng số người thất nghiệp lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu tính từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề gần 30,4 nghìn người/năm, chỉ chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng năm.
Nhiều lao động không “mặn mà” học nghề
Vừa phải nghỉ việc cách đây hơn 1 tháng, chị Nghiêm Thị Dinh (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đang làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Gắn bó với công việc bán hàng của một nhãn hàng thời trang đã gần 8 năm, do tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, công ty đã phải trả mặt bằng thu gọn đến 2/3 các cơ sở kinh doanh nên nhiều nhân viên như chị đã phải chấp nhận nghỉ việc.
“Khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi cũng được tư vấn học nghề để chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, tôi vẫn lựa chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp, cũng như muốn được tư vấn giới thiệu việc làm để sớm đi làm trở lại. Một số nghề có thể phù hợp như kế toán thì với thời gian đào tạo vài tháng học xong cũng rất khó tìm kiếm được việc làm bởi những nghề đòi hỏi trình độ thế này cần phải được đào tạo bài bản”, chị Dinh cho hay.
Cũng từng quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp mà không lựa chọn học nghề, anh Đỗ Văn Ngọc Đức (30 tuổi; ngụ huyện Bình Chánh, Tp.HCM) chia sẻ với báo Người Lao Động, khi đến làm thủ tục, anh Đức được tư vấn và giới thiệu học nghề miễn phí. Các nghề cắt may, làm bánh, đầu bếp… không phù hợp nên anh mong muốn được học lái xe. Sau đó, anh được tư vấn những hồ sơ cần thiết để được hỗ trợ học nghề ngoài danh mục có sẵn. Do thấy thủ tục quá nhiêu khê, anh đã tự bỏ tiền đi học.
“Tôi tính sơ cũng 5-6 loại giấy tờ chứng minh để nhận gói hỗ trợ học nghề. Thật sự quá khó mà mức hỗ trợ chưa bằng 1/4 số tiền cho khóa học lái xe nên tôi tự đi học cho nhanh”, anh Đức cho biết.
Còn chị Lương Thị Tuyết (32 tuổi, quê Trà Vinh) và 2 người bạn cùng cảnh ngộ thất nghiệp cho biết cuối tháng 3 vừa qua, khi đến một trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, cả 3 người không hề được tư vấn học nghề. Chị Tuyết cho rằng có thể số lượng người đến làm quá đông nên nhân viên tại đây không có đủ thời gian tư vấn.
“Họ chỉ nhận hồ sơ, xem có đủ hay thiếu gì không rồi nói về chờ ngày lấy kết quả. Chúng tôi cũng không tiện hỏi vì người quá đông. Sau này, chúng tôi mới biết mình được hỗ trợ học nghề miễn phí”, chị Tuyết nói. Do vậy, 3 người tự tìm hiểu về các gói học nghề miễn phí nhưng cảm thấy không có nghề nào phù hợp. Thời gian và hình thức đào tạo cũng làm khó người đi học. Vì vậy cả 3 quyết định chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp mà không tham gia học nghề.
Đề cập đến việc chưa có nhiều lao động thấp nghiệp lựa chọn học nghề, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây là điều đáng tiếc. Bà Liễu cho biết, khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc, được hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hiện tại, Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội có 4 nghề đào tạo cơ bản, gồm: Kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật nấu ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp. Để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều ngành nghề đăng ký, giảm thiểu đi lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội đăng ký học nghề hơn như: Học lái xe, làm bánh, kế toán, các kỹ năng khác.
“Để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề. Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên. Chúng tôi đã cố gắng làm công tác thông tin tuyên truyền rất nhiều, để người lao động hiểu được rằng họ có được những quyền lợi như vừa nêu, chứ không phải chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định, nhưng ít người biết đến chính sách này. Chúng tôi cũng có tư vấn nhưng nhiều người chưa quan tâm”, bà Liễu cho hay.
Cần đào tạo theo nhu cầu
Trao đổi với báo Công an nhân dân, TS.Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, cho rằng trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động thời gian qua (ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 hay như do thiếu đơn hàng mà hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm từ giai đoạn cuối năm 2022 đến nay) mà người lao động không “mặn mà” với chính sách học nghề khi thất nghiệp là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ.
Tuy nhiên, lý giải ở góc độ xã hội thì nguyên nhân này có thể là do những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách của bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác như ăn ở, đi lại khi trung tâm học nghề không gần nơi cư trú khiến người lao động càng quan tâm học nghề.
“Tuy vậy, có một vấn đề cũng cần có sự điều chỉnh để thu hút người lao động quan tâm học nghề là đào tạo phải theo nhu cầu. Người ta có nhu cầu học nghề xây dựng chẳng hạn nhưng mình chỉ dạy nấu ăn với may vá thì làm sao mà thu hút được. Do đó, để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Cùng với đó, dự thảo Luật việc làm cần bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn, ở) ngoài mức học phí… Từ đó khắc phục tình trạng người lao động chỉ quan tâm nhận trợ cấp thất nghiệp”, TS Nguyễn Thị Lan Hương phân tích.
Liên quan vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Các chính sách cũng hướng đến việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp.
Minh Hoa (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lao-dong-that-nghiep-khong-man-ma-voi-chinh-sach-hoc-nghe-a605441.html