Các nhà lãnh đạo BRICS sẽ gặp nhau tại Johannesburg vào tuần tới để dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của khối, diễn ra vào ngày 22-24/8.
Với chủ đề “BRICS và Châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm”, Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của BRICS nhấn mạnh cách khối này có thể xây dựng mối quan hệ với một lục địa đang ngày càng trở thành một “sân khấu” chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các cường quốc thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor trong một tuyên bố tuần trước cho biết các quốc gia BRICS muốn thể hiện “sự lãnh đạo toàn cầu trong việc giải quyết các nhu cầu… của phần lớn thế giới, bao gồm phát triển và đưa Nam Bán cầu vào các hệ thống đa phương”.
Ai sẽ tham dự hội nghị?
Tổng thống Cyril Ramaphosa của nước chủ nhà Nam Phi sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tới tham dự trực tiếp mà chỉ phát biểu thông qua liên kết video, để tránh tình huống khó xử khi lệnh bắt giữ của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đối với ông vẫn treo lơ lửng.
Là một thành viên của ICC, Nam Phi sẽ có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân đến quốc gia châu Phi này. Nếu Nam Phi không bắt giữ ông Putin, điều đó sẽ vi phạm nghĩa vụ quốc tế của họ đối với ICC và cũng vi phạm Đạo luật Thực hiện ICC của chính Nam Phi.
Theo Ngoại trưởng Pandor, 67 nhà lãnh đạo từ Nam Bán cầu cũng đã được mời tham dự và gặp gỡ các nhà lãnh đạo BRICS trong các phiên họp mở rộng. Trong số những người được mời có Tổng thống Iran Ebrahim Raisi – đồng minh quân sự thân cận của Nga.
Ông Raisi dự kiến sẽ đến dự hội nghị. Tuy nhiên, bà Pandor nhấn mạnh rằng việc Tổng thống Iran tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS không có nghĩa là khối này đang trở nên “thân Nga” hay “chống phương Tây”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã tỏ ý muốn đến Nam Phi tham dự sự kiện, đã không nhận được lời mời.
Ngoài ra, Tổng thống Ramaphosa cũng đã mời lãnh đạo của 20 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat.
Có rất ít chi tiết được hé lộ về những gì các nhà lãnh đạo BRICS dự định thảo luận, nhưng việc mở rộng khối dự kiến sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Theo Nam Phi, hiện hơn 40 quốc gia đã thể hiện quan tâm đến việc tham gia BRICS, chính thức hoặc không chính thức, bao gồm Ả Rập Xê-út, Iran, Indonesia, Argentina và Ai Cập.
Nam Phi đã đề xuất mở rộng tư cách thành viên của BRICS vào năm 2018, nhưng các thành viên khác – đặc biệt là Nga và Trung Quốc – đã tỏ ra miễn cưỡng vào thời điểm đó. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo đã quyết định củng cố đoàn kết nội khối và gác lại các cuộc thảo luận về việc mở rộng.
Vấn đề mở rộng thành viên của khối một lần nữa được hâm nóng tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2022 ở Trung Quốc, với “sự đồng thuận chính trị của 5 quốc gia BRICS”.
Nhưng vẫn như cũ, việc mở rộng khối này vẫn nổi lên như một vấn đề gai góc giữa 5 nhà lãnh đạo, với sự bất đồng về giá trị của việc kết nạp thêm thành viên, chứ chưa nói đến tiêu chí chấp nhận ứng viên.
Các quan chức và Ngoại trưởng BRICS đã làm việc về các tiêu chí để trở thành thành viên, theo bà Pandor, và sẽ soạn thảo các khuyến nghị để các nhà lãnh đạo BRICS xem xét tại Hội nghị Thượng đỉnh vào tuần tới.
Ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng
Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế đáng kể: Chiếm hơn 32% GDP, gần 30% diện tích lãnh thổ và 40% dân số thế giới, sản xuất gần 1/2 sản lượng lúa mì và gạo trên thế giới, đồng thời sở hữu khoảng 15% trữ lượng vàng của thế giới, các quốc gia BRICS rất muốn thể hiện mình là đối tác phát triển thay thế cho phương Tây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết BRICS tìm cách “cải cách các hệ thống quản trị toàn cầu để tăng cường tính đại diện… của các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi”.
Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) – còn được gọi là Ngân hàng BRICS – muốn “phi đô la hóa” tài chính và đưa ra một giải pháp thay thế cho các thể chế Bretton Woods như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhưng NDB mới chỉ phê duyệt các khoản vay trị giá hơn 33 tỷ USD trong gần một thập kỷ qua, chỉ bằng khoảng 1/3 số tiền WB cam kết giải ngân vào năm ngoái. NDB gần đây cũng bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Các quan chức Nam Phi cho biết việc thảo luận về một loại tiền tệ chung của khối BRICS, được Brazil khởi xướng vào đầu năm nay như một giải pháp thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, đã không còn bao gồm trong chương trình nghị sự.
Ý tưởng về một đồng tiền chung đã được các quốc gia BRICS đề cập trong nhiều năm, theo ông Jim O’Neill, chuyên gia kinh tế kỳ cựu, người đã đặt ra thuật ngữ BRIC (ban đầu nhóm này không bao gồm Nam Phi) khi ông làm việc tại Goldman Sachs vào năm 2001.
Nhưng ông O’Neill, hiện là cố vấn cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại Vương quốc Anh, nói với tờ Financial Times hôm 15/8 rằng chừng nào Trung Quốc và Ấn Độ còn chưa vượt qua được sự cạnh tranh “quá lớn và quá lâu đời” để bắt tay với nhau thì chừng đó ngôi vương của đồng USD vẫn sẽ chưa bị thách thức.
Bất chấp những cuộc thảo luận đang diễn ra về “phi đô la hóa”, tỉ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu vẫn ở mức gần 60% vào năm 2022, và đồng USD tiếp tục được sử dụng trong 88% giao dịch quốc tế, theo số liệu của IMF. Và Phố Wall dường như cũng không lo lắng về bất kỳ đối thủ cạnh tranh nặng ký nào với đồng bạc xanh.
“Không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với đồng USD trong 10 năm tới”, ông Dylan Kremer, đồng giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Certuity, nói với Fortune, lập luận rằng các quốc gia BRICS khi kết hợp lại vẫn thiếu sự ổn định chính trị để khiến các nhà đầu tư tin tưởng vào một loại tiền tệ chung.
Minh Đức (Theo Reuters, Fortune, Daily Maverick)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lanh-dao-cac-nuoc-brics-sap-gap-nhau-so-phan-dong-tien-chung-ra-sao-a622080.html