Nhóm bất động sản quay đầu hàng loạt khiến thị trường đỏ lửa phiên cuối tuần, khối ngoại tiếp tục bán ròng tới phiên thứ 7 cho thấy tâm lý giao dịch còn thận trọng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/4, VN-Index giảm tới 11,41 điểm, tương đương 1,07% xuống 1.052,89 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 303 mã giảm và 44 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,59 điểm, tương đương 1,23% về 207,25 điểm, UPCoM-Index giảm 0,66 điểm, tương đương 0,83% đạt 78,69 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức giảm sâu nhất 11,24 điểm với 24 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 15.401 tỷ đồng, tăng 14,3% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 13.325 tỷ đồng, tăng 16,5% so với phiên hôm trước. Nhóm VN30 được sang tay 4.364 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán MBS: Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã để mất các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn ở các đường MA20, MA50, … Xác suất chỉ số này kiểm định vùng hỗ trợ 1.043 – 1.047 điểm đang tăng lên trong bối cảnh trong và ngoài nước không có thông tin hỗ trợ. Nhà đầu tư nên thận trọng, co gọn danh mục và tập trung vào cổ phiếu cụ thể thay vì tham chiếu chỉ số chung.
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp. Khối lượng giao dịch gia tăng vượt mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán đang mạnh lên. Nhìn chung, thị trường cho thấy áp lực điều chỉnh đang mạnh lên sau phiên giảm 14/4. Do đó, nhà đầu tư nên đưa tỉ trọng danh mục về mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro trước các biến động bất ngờ từ thị trường chung.
Chứng khoán Rồng Việt: Với quán tính giảm điểm vẫn còn, có thể thị trường sẽ kiểm tra lại vùng 1.040 điểm tại VN-Index, cũng là vùng biên dưới của kênh giá. Dự kiến vùng này vẫn có tác động hỗ trợ cho chỉ số trong ngắn hạn. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát động thái của dòng tiền tại vùng hỗ trợ trong thời gian tới để đánh giá lại trạng thái của dòng tiền. Tạm thời vẫn nên giữ tỉ trọng danh mục ở mức hợp lý và an toàn.
Tin vắn chứng khoán
– Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan công bố, tính chung cả quý I/2023, cả nước nhập khẩu 42.002 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 925,5 triệu USD, tăng 76,9% về lượng và tăng 64,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Cục Hải Quan cũng cho biết, Thái Lan tiếp tục là nơi xuất khẩu nhiều ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam nhất trong tháng 3, với 8.292 chiếc, đạt 167 triệu USD, tăng 36,7% về số lượng và tăng 32,64% về giá trị so với tháng 2. Tính tổng cả quý I/2023, nhập khẩu ô tô từ Thái Lan 21.051 chiếc, đạt gần 419 triệu USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 65,7% về giá trị.
– Một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi trong những ngày gần đây. Mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng được dự báo giảm về mức 7%/năm vào cuối năm 2023.
– Đánh giá về Việt Nam và phần lớn các nước châu Á, chuyên gia Leigh của IMF cho rằng đây là những điểm sáng của kinh tế thế giới năm nay, bởi khu vực này đang phát triển tương đối nhanh so với phần còn lại của thế giới.
Trong đó, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trong khoảng từ 3%-5,2%, Ấn Độ tăng trưởng khoảng 6%, Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%. Lạm phát của khu vực này cũng thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Các ngân hàng trung ương trong khu vực đang thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-co-the-kiem-dinh-lai-vung-1040-diem-a603119.html