Nhóm bank-chứng-thép lần nữa lại dẫn dắt thị trường lấy lại những mất mát của phiên trước, mặc dù vẫn còn phân hoá nhưng sắc xanh đã phần nào xoa dịu nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, VN-Index tăng đến 6,38 điểm, tương đương 0,6% lên 1.072,22 điểm. Toàn sàn có 210 mã tăng, 188 mã giảm và 67 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,62 điểm, tương đương 0,3% lên 210,62 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 69 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,89 điểm lên 76,43 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 17 mã tăng giá.
Thanh khoản vẫn ở mức trung bình, dòng tiền còn khá rụt rè trước diễn biến thị trường. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.225 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 17% về 10.009 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 5.116 tỷ đồng.
Thị trường nhiều khả năng tiếp tục rung lắc
Chứng khoán Asean SC: Thị trường hôm nay ghi nhận một phiên giao dịch khá giằng co, và đóng cửa tăng nhẹ, mức trung bình trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự giằng co của bên mua và bên bán, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Do đó, nhóm phân tích cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp rung lắc trong phiên tới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index có thể giao dịch giằng co trong phiên sáng giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.060 – 1.070 điểm, và lực bán tại vùng kháng cự 1.080 – 1.090 điểm, trước khi có xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
V ùng hỗ trợ mềm trong ngắn hạn
Chứng khoán VCBS: Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau phiên giảm điểm mạnh, VN-Index đóng phiên tạo nến Spinning top cùng thanh khoản sụt giảm cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Xét về khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đang hướng xuống và chưa cho tín hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, tại khung đồ thị giờ, lực cầu liên tục xuất hiện quanh 1.065 – 1.070 cho thấy vùng điểm này hiện đang tạm thời là hỗ trợ mềm trong ngắn hạn của thị trường.
Thêm vào đó, chỉ báo RSI tại khung đồ thị này đã tạo đáy và có xu hướng tăng trở lại. Nếu tình hình được cải thiện tốt, khi đó MACD cũng sẽ tạo đáy 2 và cho phân ký dương báo hiệu cho nhịp phục hồi ngắn hạn. Tuy nhiên việc diễn biến của VN-Index tiếp tục nằm dưới MA20 cho thấy rủi ro vẫn tiềm ẩn và chưa thể khẳng định là VN-Index sẽ bước vào nhịp phục hồi dài hơi hơn. VCBS vẫn giữ quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng đợi tín hiệu xác nhận nhịp phục hồi rõ ràng hơn thay vì giải ngân mở vị thế sớm.
Rủi ro điều chỉnh vẫn còn nguyên
Chứng khoán KIS: Trong ngắn hạn, áp lực bán xuất hiện quanh ngưỡng 1.100 điểm. Điều đó hàm ý về rủi ro điều chỉnh vẫn còn nguyên. Do đó, nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo.
Xu hướng giảm điểm trung hạn vẫn là chủ đạo
Chứng khoán KBSV: VN-Index diễn biến giằng co trong phiên với các nhịp tăng giảm đan xen và hình thành mẫu nến spinning về cuối phiên. Lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp cho chỉ số bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.06x, đồng thời giúp cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn.
Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong các phiên tiếp theo vẫn đang có phần lấn át. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trading trong các nhịp hồi sớm.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-92-rui-ro-giam-sau-van-tiem-an-a592854.html