Hơn 160 mã tăng kịch trần nhờ 6.000 tỷ đồng khớp lệnh vào thị trường trong 1 tiếng đầu phiên chiều đã mở màn chuỗi tăng điểm cho đến kết phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng đến 43,73 điểm, tương đương 4,22 lên 969,33 điểm. Toàn sàn có 361 mã tăng, còn lại 92 mã giảm, 59 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 4,96 điểm, tương đương 2,35% lên 215,96 điểm. Toàn sàn có 115 mã tăng, 75 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,8 điểm lên 72,21 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 30 mã tăng giá.
Mức thanh khoản thị trường dường như đang muốn lấy lại những gì đã mất thời gian qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 20.414 tỷ đồng, giảm nhẹ 16% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 17.924 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt hơn 8.000 tỷ đồng.
Khả năng thị trường sẽ còn trớn tăng
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Mặc dù chịu áp lực chốt lời nhưng diễn biến điều chỉnh của thị trường khá chóng vánh. Dòng tiền tiếp tục vượt lên trên áp lực chốt lời và giúp thị trường tiếp tục xu thế tăng điểm. Với quán tính tăng điểm vẫn còn, có khả năng thị trường sẽ còn trớn tăng trong phiên giao dịch tiếp theo.
Tuy nhiên, với diễn biến tăng nhanh của thị trường và chưa tạo được vùng cân bằng, rủi ro áp lực chốt lời có thể trở lại trong thời gian tới. Vùng cản cần đặc biệt lưu ý là vùng 1.100 – 1.135 điểm, có thể thị trường sẽ có chuỗi phiên tranh chấp tại vùng này.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng vào khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường. Tuy nhiên, nên tránh mua đuổi đối với những cổ phiếu đang ở trạng thái quá mua, đối với những cổ phiếu có nền tích lũy tích cực có thể cân nhắc quan tâm trong thời gian tới.
VN-Index vẫn sẽ tiếp tục hướng lên
Chứng khoán VCBS: VN-Index xuất hiện áp lực chốt lời T+, điều chỉnh ngay khi chạm kháng cự khiến chỉ số chung có phần hụt hơi quay về giao dịch quanh vùng điểm 1.050. Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index gặp cản khi vừa có diễn biến tiến vào vùng mây ichimoku, tuy nhiên tại khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo RSI và MACD chỉ mới tạo 1 đỉnh vào chưa có dấu hiệu hình thành phân kỳ âm, nên việc VN-Index rung lắc tích lũy là điều bình thường trong nhịp phục hồi.
Theo lý thuyết sóng, VN-Index đang bước vào nhịp phục hồi sóng 4 và đã vượt qua mốc 1.030 tương đương với ngưỡng 0,618 của thang đo Fibonacci thoái lui. Xác xuất cao VN-Index vẫn sẽ tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên quanh 1.080 và xa hơn là 1.130 tương ứng với ngưỡng 0,5 và 0,382 trước khi xuất hiện áp lực bán mạnh hơn. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giữ tỉ trọng hợp lý, có thể giải ngân thêm khoảng 10-20% sức mua hiện đang có cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.
Nhà đầu tư tránh mua đuổi khi điểm số tiếp cận sát 1.065
Chứng khoán BOS: VN-Index tăng mạnh hơn 43 điểm để tiến gần tới mốc 1.100 khi dòng tiền khối ngoại vẫn đổ mạnh vào các cổ phiếu Bluechip
Về kỹ thuật, VN-Index tăng mạnh với volume cao, đóng cửa với mức cao nhất phiên để vượt qua vùng kháng cự 1.065 cho thấy xu hướng sẵn sàng tiếp tục tăng để hướng tới vùng 1.100 điểm trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư tránh mua đuổi khi điểm số tiếp cận sát vùng kháng cự trên.
Xu hướng tăng giá của thị trường đang mạnh dần
Chứng khoán TVSI: VN-Index kết phiên với cây nến Marubozu thân dài bao phủ hoàn toàn cây nến giảm điểm hôm qua và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, cho tín hiệu rất tích cực trở lại và xóa tan sự tiêu cực trong ngày hôm qua.
Tăng điểm tốt vào phiên cuối tuần đồng thời vượt qua vùng kháng cự đỉnh cao nhất của tháng phục hồi trước đó tại mức giá trị 1.070 điểm, VN-Index đang dần cho thấy tín hiệu tăng giá trung hạn quay trở lại. Xu hướng tăng giá của thị trường đang mạnh dần lên và chỉ số dự báo tiếp tục hướng về mốc kháng cự kế tiếp tại quanh 1.130 điểm. Trong phiên đầu tuần mới, VN-Index dự báo sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.070 điểm vừa vượt qua.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-312-tin-hieu-tang-gia-trung-han-dan-quay-lai-a583719.html