Nhóm vốn hoá lớn bứt phá cuối phiên khiến VN-Index vượt kháng cự 1.040 điểm, thanh khoản thị trường vẫn èo uột, chủ yếu lực mua – bán đến từ khối ngoại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, VN-Index tăng 8,11 điểm, tương đương 0,79% lên 1.040,54 điểm. Toàn sàn có 203 mã tăng, 170 mã giảm và 88 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,85 điểm, tương đương 0,42% lên 203,96 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 68 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm lên 75,9 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 17 mã tăng giá.
Thanh khoản vẫn ghi nhận ở mức thấp. Tổng giá trị khớp lệnh của toàn thị trường phiên 22/3 đạt 9.798 tỷ đồng, giảm 4% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 3,8% về 8.647 tỷ đồng. Tại nhóm VN30 nhà đầu tư sang tay 4.252 tỷ đồng.
Thị trường vẫn duy trì kịch bản điều chỉnh giảm
Chứng khoán Vietinbank: Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của CTS ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 22/3 tương ứng với diễn biến giá giảm. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận duy trì diễn biến hồi phục và tăng điểm với thăng khoản thị trường phản ánh sự thận trọng của thị trường.
Tuy vậy, các diễn biến dài hơn như T+10 hay T+20 vẫn đang duy trì kịch bản điều chỉnh giảm, do đó vẫn cần thận trọng với khả năng hồi phục kỹ thuật của thị trường.
Xu hướng chưa rõ ràng
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn khá thận trọng.
Không những vậy, chỉ số liên tục cho tín hiệu giao cắt quanh đường MA20 thoải dần, cho thấy xu hướng vận động giằng co trong kênh giá giảm (Sideway down) đang tiếp diễn, với biên độ từ 980 đến 1.060 điểm.
Thêm vào đó, các đường MACD vẫn nằm dưới Signal duy trì tín hiệu bán, cùng với đường –DI nằm trên +DI cho thấy áp lực điều chỉnh đang hiện hữu và chỉ số có thể chịu sức ép mạnh tại khu vực kháng cự 1.060 điểm (MA50).
Nhìn chung, thị trường tiếp tục vận động trong biên độ hẹp và xu hướng chưa rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư nên giữ danh mục ở mức cân bằng nhằm tạo vị thế ứng phó linh hoạt với thị trường chung.
VN-Index trong trạng thái chờ đợi các tin tức vĩ mô
Chứng khoán Agriseco: VN-Index giằng co dưới đường MA20 ngày trong phần lớn thời gian giao dịch.
Đà tăng không nhận được sự hỗ trợ của dòng tiền là nguyên nhân chính khiến chỉ số chưa thể bứt phá ngưỡng cản trên. Đóng góp phần lớn điểm số cho thị trường phiên 22/3 là nhóm cổ phiếu trụ trong khi đó nhóm vốn hoá vừa và nhỏ có hiện tượng chốt lời.
Hiện tại, VN-Index chưa rõ xu hướng và đang trong trạng thái chờ đợi các tin tức vĩ mô. Rạng sáng ngày 23/3 là thời điểm Fed công bố lãi suất điều hành. Agriseco Research cho rằng sự kiện này có thể tác động đến tâm lý thị trường do đó, nhà đầu tư nên lưu ý.
Trong kịch bản tích cực, chỉ số vượt thành công vùng giá 1.040 điểm với khối lượng giao dịch gia tăng, nhà đầu tư có thể tăng tỉ trọng vào các nhóm đang thu hút dòng tiền như nhóm chứng khoán, nhóm chủ đề đầu tư công và nhóm VN30. Trái lại nếu áp lực bán nắm thế chủ đạo, nhà đầu tư tạm thời theo dõi với mốc hỗ trợ gần nhất quanh vùng giá 1.030 điểm.
Kỳ vọng thị trường tiếp tục quán tính tăng điểm
Chứng khoán Asean SC: Thị trường 22/3 ghi nhận một phiên tăng điểm khá với giá đóng cửa ở mức gần cao nhất trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản giảm và ở mức thấp. Điều này cho thấy bên mua đang có dấu hiệu mạnh lên, và đà giảm tạm thời chững lại.
Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên tới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.035 – 1.040 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.045 – 1.050 điểm.
Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-233-xu-huong-phan-ung-sau-quyet-dinh-cua-fed-a599266.html