Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần điều chỉnh sau chuỗi tăng điểm 3 tuần liên tiếp. Chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức giảm gần 17 điểm, giảm 1,6% so với cuối tuần trước về mức 1.052,9 điểm. Xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường có thể đã dừng lại khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về dưới ngưỡng MA20 (tương ứng mức quanh 1.057 điểm).
Khối ngoại cũng là điểm trừ khi họ đẩy mạnh bán ròng xuyên suốt 5 phiên giao dịch với tổng giá trị bán ròng 309 tỷ đồng, trong đó bán ròng 1.756 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam và ông Phạm Tuyến – Giám đốc tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam đều cho rằng thị trường sẽ có những diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Người Đưa Tin: Trong bối cảnh trong và ngoài nước hiện không có tin tức hỗ trợ, cộng thêm áp lực bán ròng liên tiếp của khối ngoại trong tuần vừa qua, theo ông, thị trường thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực hơn không?
Ông Nguyễn Thế Minh: Về diễn biến của tuần vừa rồi, phiên giao dịch cuối tuần thị trường đã sụt giảm rất mạnh. Tuy nhiên, phiên sụt giảm này chủ yếu đóng góp phần lớn là cổ phiếu smallcap, penny ( cổ phiếu vốn hoá nhỏ), có tính đầu cơ cao và xuyên suốt tuần vừa rồi, dòng tiền chủ đạo vẫn là đầu cơ.
Theo tôi trong tuần giao dịch tới, khả năng cao áp lực giảm sẽ không diễn ra mạnh, VN-Index trong những phiên đầu tuần có thể hướng về mức hỗ trợ 1.045. Tuy nhiên, sau đó sẽ có những nhịp hồi trở lại và đi ngang quanh mức đóng cửa tuần vừa rồi. Tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ đi ngang nhiều hơn so với áp lực giảm sâu của thị trường.
Ngoài ra, thanh khoản cũng sẽ quay lại mức thấp vì tâm lý của nhà đầu tư có phần thận trọng trở lại và dòng tiền cũng sẽ có sự phân hóa hơn, khả năng sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm midcap và smallcap, tức là nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ thay vì việc tập trung đại trà các nhóm cổ phiếu.
Ông Phạm Tuyến: Theo tôi, khối ngoại bán ròng là một trở ngại lớn ít nhất là về mặt cung ra thị trường trong giai đoạn sắp công bố BCTC, điều này cũng khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Tuy nhiên, với việc điều hành chính sách của Chính phủ trong vấn đề miễn giảm, gia hạn thuế TNDN và TNCN, cũng như việc giữ nguyên các nhóm nợ của doanh nghiệp, đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều.
Đặc biệt, có thể nhận thấy các chính sách gần đây nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp sẽ giúp cho nền kinh tế nói chung ngày càng tốt, nâng cao sức khỏe doanh nghiệp chính là nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế.
Chính điều đó sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong tuần tới cũng như trong quý II. Đồng thời, sự phân hóa rõ rệt của các cổ phiếu trong thời gian tới do các báo cáo doanh thu, lợi nhuận quý cũng sẽ phản ánh lên thị trường.
Người Đưa Tin: Dòng tiền nhà đầu tư đang có xu hướng đổ vào các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ (midcap và smallcap), và có tính đầu cơ, theo ông điều này có đáng lo ngại? Nhà đầu tư có nên gia tăng tỉ trọng cổ phiếu ở giai đoạn này?
Ông Nguyễn Thế Minh: Thực tế, sau mỗi chu kỳ thị trường giảm sâu và bắt đầu một chu kỳ tăng mới của thị trường, nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng ban đầu của thị trường sẽ luôn là nhóm cổ phiếu midcap và smallcap, tuy nhiên, trong giai đoạn này sự nghi ngờ vẫn là chủ đạo, nghĩa là chưa thể chắc chắn về xu hướng thị trường.
Dòng tiền đầu cơ thường hoạt động rất mạnh, bởi họ hay tìm tới những cổ phiếu đã bị chiết khấu hết, tức là giảm mạnh rồi, và khi đã giảm quá nhiều thì theo một quy luật thông thường, cổ phiếu sẽ lên mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, rủi ro của thị trường vẫn chưa hoàn toàn giảm, chỉ là xác lập một mặt bằng cân bằng mới và đi ngang, nói cách khác, vùng đáy dài hạn đang được hình thành. Do đó, thông thường ở trong giai đoạn này, dòng tiền sẽ phân hóa và tính đầu cơ sẽ xuất hiện.
Thế nhưng tính đầu cơ ở đây còn tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường sẽ không có dòng tiền nhưng bù lại tỉ suất sinh lời sẽ cao hơn các nhóm cổ phiếu khác. Những nhà đầu tư khẩu vị rủi ro cao, ưa thích việc dùng đòn bẩy, bám bảng điện, lướt sóng hàng ngày thì mới thực sự dám đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.
Còn đối với những nhà đầu tư khẩu vị rủi ro thấp, giai đoạn này không nên đua theo những nhóm cổ phiếu này. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán thường sẽ tăng trước khi yếu tố cơ bản phục hồi rõ ràng hơn. Như vậy, đối với những nhà đầu tư có khấu vị cho vừa và thấp, tốt nhất chỉ nên để tỉ trọng cổ phiếu thấp hoặc đứng ngoài trong giai đoạn này.
Theo tôi, chỉ khi xu hướng ngắn hạn rõ ràng hơn, bước vào giai đoạn khoảng tầm tháng 5, tháng 6 thì nhà đầu tư hãy bắt đầu tham gia vào thị trường.
Bởi thời điểm những tháng cuối năm, chu kỳ kinh doanh khó khăn nhất ở trong giai đoạn quý I, quý II có thể sẽ tạm thời qua đi, và nền kinh tế sẽ có những điểm sáng hơn, đấy là cái thời điểm có thể cân nhắc đối với những nhà đầu tư khẩu vị rủi ro và thấp. Còn giai đoạn hiện tại, tôi cho rằng sẽ phù hợp với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn.
Ông Phạm Tuyến: Dòng tiền thông minh là dòng tiền ngắn đầu cơ trong thời điểm mà các báo cáo chưa ra, tức là còn nhiều kỳ vọng về nhóm midcap và smallcap. Bởi nhóm cổ phiếu này mang đến cảm xúc lớn cũng như tỉ lệ sinh lợi cao.
Dòng tiền thời gian qua luân chuyển từ dòng này qua dòng khác. Nhưng rõ ràng sự lựa chọn các cổ phiếu cơ bản đầu ngành vẫn mang lại sự hiệu quả mà vẫn an toàn vốn hơn các doanh nghiệp có triển vọng kém.
Ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên gia tăng các cổ phiếu có lợi nhuận và triển vọng tốt, bởi sự sụt giảm của thị trường hiện nay chủ yếu ở các nhóm đầu cơ lớn. Với các cổ phiếu, nhóm ngành cơ bản thì cơ hội tăng trưởng vẫn khá lớn. Lựa chọn cổ phiếu cơ bản, thiết yếu để mua vào trong lúc thị trường sụt giảm luôn được ưu tiên.
Như vậy, với các hành động quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế như hiện nay, việc gia tăng các cổ phiếu cơ bản đầu ngành chính là đón đầu cho một xu thế mới.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-174-thi-truong-dang-xac-lap-vung-can-bang-moi-a603335.html