Dù có 3 phiên giảm điểm nhưng thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận nhận tuần giao dịch khởi sắc khi có 2 phiên tăng tổng cộng hơn 30 điểm, trong khi phần giảm lại ở biên độ hẹp. Đáng chú ý phiên cuối tuần VN-Index tăng hơn 18 điểm khi Uỷ ban Chứng khoán làm việc với FTSE Russell và Morgan Stanley bàn về công tác nâng hạng thị trường.
Kết tuần, VN-Index tăng 21,49 điểm, tương đương 1,7% lên 1.276,6 điểm, HNX tăng 1,66 điểm, tương đương 0,7% lên 241,34 điểm và UPCOM tăng 0,6% lên 90,21 điểm.
Tuần qua, GAS giảm 1,5%, VNM giảm 1,8% và VCB giảm 0,3% gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, BID tăng 6,4%, CTG tăng 8,1% và TCB tăng 4,9% là các nhân tố chính hỗ trợ lên đà tăng của thị trường.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng và chủ động đứng ngoài quan sát diễn biến chung khiến dòng tiền sụt giảm đáng kể. Tổng khối lượng giao dịch bình quân trên HoSE đạt 16.260 tỷ đồng/phiên, giảm gần 32% so với tuần trước.
Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh dù có những phiên trở lại mua ròng đan xen song giá trị không quá lớn. Tổng cộng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.000 tỷ đồng sau 5 phiên tuần qua.
Đưa ra lời khuyên về quyết định đầu tư trong tuần tới, ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Agriseco và ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh CTCK DSC gợi ý một số nhóm ngành có triển vọng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, thép.
Người Đưa Tin (NĐT): Theo ông, dự báo tuần tới thị trường sẽ diễn biến ra sao?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong kịch bản tích cực nơi nhóm vốn hóa lớn tiếp tục dẫn dắt, VN-Index có thể trở lại với xu hướng tăng giá trong ngắn hạn và sẽ sớm tiến lên vùng 1.290 (+-5) điểm trong tuần tới. Ngược lại, nếu lực cầu gia tăng yếu hơn kỳ vọng, nhiều khả năng VN-Index sẽ lùi về vùng 1.250 và xa hơn là 1.235 điểm để tìm thêm lực cầu hỗ trợ tham gia thị trường.
Nhiều khả năng dòng tiền sẽ sớm được trở lại trong tuần tới và thanh khoản được cải thiện khi đã có sự biến động với biên độ lớn về mặt điểm số trong phiên cuối tuần. Cả lực cung lẫn cầu đều có khả năng cao sẽ sớm trở lại nơi sự giằng co diễn ra mạnh hơn.
Điểm tích cực khác tới từ bức tranh kết quả kinh doanh quý I nhìn chung sẽ tích cực và đạt được mức tăng trưởng tốt trên mức nền thấp cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ nhu cầu tiêu dùng trong nước được kỳ vọng phục hồi; các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có tín hiệu khả quan; chi phí tài chính giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.
Ông Bùi Văn Huy: Mặc dù thị trường tăng điểm tốt trong tuần qua, nhưng tôi cho rằng cho rằng tín hiệu tích cực quay về vùng đỉnh là nhờ sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu trụ, trong khi đó thanh khoản và độ rộng vẫn chưa thuyết phục.
Về độ rộng, hiện chưa đến 40% số lượng cổ phiếu trên HoSE duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn là điều không tích cực. Ở khía cạnh khác, với một mức độ biến động không thái quá, tỉ giá, giá vàng hay động thái khối ngoại sẽ không tác động quá lớn đến thị trường.
Hiện tại 3 trụ cột chính của thị trường là môi trường lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ; thứ hai là sự phục hồi kinh tế trong nước và thứ ba là kỳ vọng nâng hạng thị trường và KRX.
NĐT: Theo ông, tuần tới nhà đầu tư nên hành động thế nào? Ông có thể gợi ý nhóm ngành nào có triển vọng tích cực trong mùa công bố kết quả kinh doanh và đại hội đồng cổ đông?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Với việc xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn đang được duy trì, tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các vị thế trung và dài hạn trong danh mục. Đối với các vị thế ngắn hạn, chỉ mở mua mới trong 2 trường hợp VN-Index thành công kiểm định vùng 1.270 – 1.275 để xác nhận về khả năng tăng giá ngắn hạn hoặc chỉ số chính lùi về vùng 1.235 để tìm điểm cân bằng an toàn hơn.
Tôi kỳ vọng các nhóm ngành nghề và doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2024 cao sẽ tạo ra các câu chuyện đầu tư có thể kể đến như nhóm ngành thép, cao su, chứng khoán, bán lẻ và chăn nuôi.
Ông Bùi Văn Huy: Thị trường có thể chưa chiết khấu xong các thông tin mới trong và ngoài nước và khả năng tiếp tục tích lũy với thanh khoản thấp. Hỗ trợ hiện tại quanh 1.240 – 1.250 điểm; kháng cự mạnh quanh vùng 1.280 – 1.300 và đây là ngưỡng không dễ vượt qua trong ngắn hạn.
Xu hướng tuần tới vẫn là điều chỉnh và tích lũy, dù chỉ số có tăng thì thanh khoản và độ rộng cũng khó lan tỏa.
Về chiến lược giao dịch, trong bối cảnh hiện tại có nhiều yếu tố rủi ro trong ngắn hạn và có thể thị trường chưa chiết khấu xong các thông tin, tỉ trọng cổ phiếu nên duy trì ở mức vừa phải, đồng thời tránh trạng thái căng cứng, đặc biệt là hạn chế sử dụng đòn bẩy cao.
Trong mùa kết quả kinh doanh, các nhóm ngành có triển vọng tích cực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí thượng nguồn, xuất nhập khẩu hay thép có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, việc nâng tỉ trọng chỉ nên được thực hiện ở các vùng nền giá, tránh mua đuổi hưng phấn ở vùng giá cao.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-154-nen-xuong-tien-co-phieu-nao-de-don-co-hoi-a658992.html