noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủTiêu điểmLàm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ hơn...

    Làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ hơn 600 HS ngộ độc

    Ngày 9/12, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế về vụ hơn 600 học sinh ngộ độc thực phẩm.

    Trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế

    Bà Phạm Thị Xuân Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa chất vấn ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế về vụ việc 665 ca ngộ độc xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang khiến một học sinh tử vong.

    Theo đó, bà Trang đề nghị giám đốc Sở Y tế trả lời về công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trong các trường học; đội ngũ y tế trong tỉnh có được tập huấn để chủ động đối với trường hợp cấp cứu bệnh nhân ngộ độc tập thể vừa qua hay không?

    Đồng thời, bà Trang cũng hỏi trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế đối với vụ việc xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang. Trong thời gian tới, có những biện pháp gì để không còn xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong các trường học, các cơ sở y tế không bị quá tải khi cấp cứu bệnh nhân ngộ độc tập thể?

    Sự kiện - Làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ hơn 600 HS ngộ độc

    Bà Phạm Thị Xuân Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa chất vấn Giám đốc Sở Y tế liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang.

    Trả lời chất vấn, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết về mặt quản lý nhà nước cơ bản có đầy đủ các văn bản và phân rõ chức năng cụ thể của các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương cũng như UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Theo ông Minh, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các bếp ăn tập thể tại các trường học được thực hiện theo Quyết định số 3516/QĐ-UBND ngày 19/11/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành quy định phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

    Ông Minh thông tin cụ thể việc phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại trường mà nhà trường hợp đồng với cơ sở có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống để tổ chức chế biến thức ăn và bếp ăn tập thể tại trường mà do trường tự tổ chức chế biến thức ăn.

    Theo ông Minh, đối với trường hợp Trường iSchool Nha Trang hợp đồng với hộ kinh doanh để tổ chức chế biến, cung cấp thức ăn tại bếp ăn tập thể của nhà trường, thì sẽ do UBND Tp.Nha Trang quản lý, kiểm tra theo phân cấp tại Quyết định số 3516.

    Sự kiện - Làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ hơn 600 HS ngộ độc (Hình 2).

    Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII.

    Về trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang, ông Minh cho biết sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Sở Y tế đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều phối kịp thời các học sinh bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại 6 bệnh viện. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế Tp.Nha Trang, Phòng Y tế Tp.Nha Trang, nhà trường để điều tra nguyên nhân, xử lý vụ việc.

    Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã ra các văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế điều trị, cấp cứu kịp thời và đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Các bệnh viện đã tiếp nhận 665 em học sinh, trong đó hơn 200 em được khám bệnh và cho về theo dõi, còn lại điều trị nội trú.

    Các bệnh viện cũng đã điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế ngay từ đầu. Sau khi thực hiện kiểm tra, Sở cũng đã có thông báo kết luận cũng như định hướng điều trị cho bệnh nhân kịp thời với nhiễm khuẩn Salmonella.

    Sở cũng đã phối hợp với Tp.Nha Trang, Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường triển khai các giải pháp kiểm tra và xử lý bếp ăn, để bảo đảm trường tổ chức dạy học lại bình thường.

    Về cơ sở khám chữa bệnh, ông Minh có biết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 21 bệnh viện (có 5 bệnh viện tư nhân) và 26 phòng khám (có 12 phòng khám đa khoa tư nhân). Với cơ sở này, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân.

    Cần phối hợp kịp thời trong việc xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm

    Theo ông Minh, trong thời gian tới công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân công trách nhiệm của các ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như UBND các cấp cần bám sát các chức năng nhiệm vụ đã được phân cấp. Đồng thời, thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Sau khi xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm nói trên, Sở Y tế – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, trao đổi với các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, đặc biệt là tại các trường học.

    Hiện nay, ngành y tế tỉnh Khánh Hòa cũng đang phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các Phòng giáo dục và Đào tạo đang kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường học. Từ đây đến cuối năm, ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương sẽ thành lập tổ liên ngành kiểm tra công tác này trong thời gian tới.

    “Có một điểm mà qua vụ việc của Trường iSchool Nha Trang, ngành y tế rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là, nếu có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thì nhà trường hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh phải báo cáo ngay với cơ quan chủ quản.

    Ví dụ, trường phải báo cáo cho Sở Giáo dục và đào tạo, trao đổi ngay với UBND cấp huyện và Sở Y tế để phối hợp đồng bộ triển khai các giải pháp trong công tác cấp cứu, điều trị ngộ độc thực phẩm. Vừa qua, sự phối hợp này bị chậm. Vì vậy, việc báo cáo, phối hợp kịp thời để xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất quan trọng, bảo đảm chăm sóc sức khỏe, chuyên môn”, ông Minh nói.

    Sự kiện - Làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ hơn 600 HS ngộ độc (Hình 3).

    Các đại biểu tham dự kỳ họp.

    Đại biểu Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Tp.Nha Trang cho rằng, cần phân định rõ ràng phân cấp quản lý hiện nay sau sự việc đáng tiếc ở Trường iSchool Nha Trang.

     “Ở đây có sự nhầm lẫn, Phòng Y tế Tp.Nha Trang chỉ cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho quầy căn tin nước giải khát của trường. Theo báo cáo của Tp.Nha Trang, bếp ăn bán trú này có số lượng trên 200 suất ăn là thuộc quản lý của Sở Y tế. Nói ra vấn đề này không phải là đẩy trách nhiệm mà phân định rõ trách nhiệm trong phân cấp quản lý của đơn vị chủ trì và phối hợp.

    Khi vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang, chúng tôi đã chỉ đạo thành phố phối hợp xử lý nhưng không thuộc trách nhiệm của Tp.Nha Trang vì hộ kinh doanh ký hợp đồng với nhà trường, Tp.Nha Trang không cấp phép cho việc này”, ông Mừng cho biết.

    Theo ông Mừng, cần xem lại lổ hổng quản lý ở chỗ nào? Đơn vị nào quản lý, thực hiện nhiệm vụ ra sao để đảm bảo chất lượng bán trú.

    “Tôi đề xuất với UBND tỉnh, sở, ngành trong việc quản lý suất ăn bán trú. Lâu nay các trường đều ký hợp đồng với các hộ kinh doanh, vấn đề chất lượng có đảm bảo không? Ngành Giáo dục, Y tế có đủ điều kiện để theo dõi không? Và cần quy định cụ thể.

    Như hiện nay, trường học không có chuyên gia về dinh dưỡng nhưng dinh dưỡng cho các lứa tuổi hoàn toàn khác nhau. Vậy thì, thời gian sắp tới chúng ta cần có yêu cầu cụ thể về chuyên gia dinh dưỡng không? Cần có những yêu cầu cụ thể đơn vị ký hợp đồng phải đảm bảo các tiêu chuẩn nào? Việc chúng ta cần làm là đưa ra các giải pháp để tránh các trường hợp đáng tiếc tái diễn”, ông Mừng nói.

    Đúc kết vấn đề, ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra 4 yêu cầu cho ngành y tế. Thứ nhất là phản ứng trước tình huống, ngộ độc diễn ra hàng loạt có cần diễn tập cho ngành y tế, giáo dục hay không. Thứ hai là, nếu xảy ra thì trách nhiệm của các ngành, địa phương khâu nào trước, khâu nào sau phải quy định rõ ràng.

    Thứ 3 là việc tiếp nhận bệnh nhân số đông như vậy làm sao đảm bảo đúng tuyến, đúng luồng. Và cuối cùng là quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bếp ăn được hoạt động như thế nào để không để tình trạng tương tự xảy ra.

    Châu Tường

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU