Không dễ để vay lãi suất thấp
Cuối tháng 10/2023, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh (PHG Lock) vui mừng khi lãi suất ngân hàng vay kinh doanh đã về 6.5%/năm để doanh nghiệp này mạnh dạn kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác cho rằng việc tiếp cận mức lãi suất đó là không dễ dàng vì phát sinh các loại phí, bảo hiểm hay chỉ được hưởng lãi suất thấp cho năm đầu tiên.
Nói về lãi vay đối với các khoản nợ cũ, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành – một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội phản ánh, các ngân hàng thương mại đang triển khai cho vay mới với mức lãi suất rất tốt, chỉ 8-9%/năm. Tuy nhiên, lãi vay ở các gói vay cũ vẫn gần như “bất động”, ở mức cao.
“Chúng tôi có khoản vay hồi đầu năm với lãi suất lên tới 14%/năm và hiện đã được ngân hàng điều chỉnh giảm còn 13%/năm. Trong khi đó, vay mới gần đây, mức lãi suất chỉ từ 8-9%/năm. Đây rõ ràng là sự bất cập. Dù thời điểm đầu năm các ngân hàng phải huy động vốn cao, nhưng hiện đã có độ trễ 4-5 tháng, thì các ngân hàng cũng nên xem xét điều chỉnh giảm mạnh lãi vay hơn đối với các khoản vay cũ để hỗ trợ doanh nghiệp. Chưa kể, với mức lãi suất 13-14%/năm, các doanh nghiệp nhà ở xã hội sẽ khó có thể hoạt động hiệu quả,” ông Nghĩa nói.
Một số doanh nghiệp cho biết sẽ phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư và thu hẹp sản xuất trong đó cũng có nguyên nhân từ lãi vay ngân hàng. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) cũng cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu có tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây, song vẫn chưa thực sự phục hồi. Do đó, ở thời điểm này vẫn không có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay mới để đầu tư máy móc, vật liệu, mà chủ yếu vay để đảo nợ cũ.
Theo ông Phương, một trong những vấn đề chính của các doanh nghiệp trong ngành là lãi vay các khoản nợ cũ còn khá cao. Doanh nghiệp rất muốn vay mới để đảo nợ, tuy nhiên hầu hết đã sử dụng hết tài sản thế chấp nên lại không vay mới được.
Đáng chú ý, kể từ ngày 1/9, các ngân hàng thương mại triển khai chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất khá ưu đãi, chỉ từ 6-8%/năm. Đây là mức lãi vay rất hấp dẫn, thậm chí chỉ bằng 50% so với mức lãi vay ở khoản nợ cũ. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn không hào hứng với chính sách mới này.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, khi vay mới chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận được mức lãi vay thấp hơn so với khoản nợ cũ. Tuy nhiên, để được vay mới, doanh nghiệp cũng phải có tài sản thế chấp. Trừ khi doanh nghiệp có tài sản thế chấp mới, còn việc chuyển tài sản thế chấp từ ngân hàng này sang ngân hàng khác là bất khả thi, vì chỉ áp trong nghiệp vụ mua bán nợ.
Chưa kể, doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí tất toán khoản vay trước hạn (thường khoảng 1-3% dư nợ, có ngân hàng áp phí phạt lên đến 5% trong vòng 1-2 năm đầu); cộng thêm chi phí khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay…
Những điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các doanh nghiệp muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Do đó, không có nhiều doanh nghiệp mặn mà với việc vay mới để “đảo nợ”.
Ngân hàng phải cân đối dòng tiền
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho biết, chính sách lãi suất thấp đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, về chi phí vốn, giúp doanh nghiệp giữ ổn định và giảm giá thành, tiêu thụ sản phẩm để cạnh tranh và phát triển.
Đến nay, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đã trở lại như giai đoạn trước dịch (là giai đoạn lãi suất duy trì sự ổn định bền vững và tốt nhất đối với nền kinh tế trong cả vai trò giữ ổn định tiền tệ và vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế).
Trong khi đó, chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền để tăng trưởng và phát triển.
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Tp.HCM đã có 29.726 khách hàng, doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ đạt 36.543 tỷ đồng, chiếm 38% so với cả nước.
Trong đó, thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ với tổng dư nợ đạt 23.225 tỷ đồng, chiếm 42% so với cả nước cho 392 khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng tại Tp.HCM đã giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản trên địa bàn đạt 243 tỷ đồng, cho 109 khách hàng, với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn cho vay của tổ chức tín dụng từ 1-2%/năm.
“Đây là các chương trình ưu đãi về lãi suất, về tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ trực tiếp và mang lại lợi ích, hiệu quả cho doanh nghiệp, qua đó thực hiện được mục tiêu và ý nghĩa của mỗi chương trình đối với sự phát triển kinh tế xã hội thành phố”, ông Lệnh nói.
Theo TS.Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế Tp.HCM, dù gần đây lãi suất huy động đã giảm nhưng các ngân hàng vẫn phải quân bình vốn khiến lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Ngoài ra, việc thừa vốn của các ngân hàng cũng khiến chi phí lãi tăng lên, ảnh hưởng tới việc giảm lãi suất cho vay.
Chuyên gia này cũng dự báo, xu hướng lãi suất thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục giảm, bởi dòng vốn giá rẻ chảy về ngày càng nhiều giúp các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, do thừa vốn nên các ngân hàng cũng có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau để thu hút khách vay tiền. Hiện đang là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp và người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi và nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân hàng.
Báo cáo công bố cuối tháng 10/2023 của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, trong các tháng cuối năm, với mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp, áp lực chi phí vốn với các ngân hàng không nhiều. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng vẫn là yếu tố có tính quyết định đối với hiệu quả kinh doanh ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở nhiều kỳ hạn thì biên lợi nhuận ở nhiều ngân hàng cả năm nay sẽ tiếp tục suy giảm so với các năm trước.
Tại Tp.HCM, đầu năm 2023, có 20 ngân hàng đăng kí tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn một gói tín dụng với tổng trị giá hơn 493.000 tỷ đồng. Đến nay số vốn giải ngân của chương trình đã lên mức 541.000 tỷ đồng, vượt xa so với mục tiêu cam kết.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lai-suat-ngan-hang-cuoi-nam-linh-hoat-vi-muc-tieu-tang-truong-a633199.html