Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCOM: QTP) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 doanh thu thuần đạt 2.262 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm gần hết doanh thu thuần khiến lãi gộp chỉ còn 89 tỷ đồng – giảm mạnh so với con số 430 tỷ đồng của quý IV/2021.
Trong kỳ, Nhiệt điện Quảng Ninh thu về 11,5 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm nhẹ so với cùng kỳ, chi phí tài chính giảm hơn 10 tỷ đồng xuống còn 33 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh từ 198 tỷ đồng xuống còn 40,7 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, Nhiệt điện Quảng Ninh lãi sau thuế hơn 25 tỷ đồng, giảm tới 86% so với quý IV/2021.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do đơn giá than đầu vào tăng, đồng thời công ty sử dụng nhiều chủng loại than làm suất hao nhiệt tăng.
Cả năm 2022, Nhiệt điện Quảng Ninh thu về 10.417 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 770 tỷ đồng tăng 33% so với năm 2021, EPS đạt 1.712 đồng.
Năm qua, Nhiệt điện Quảng Ninh đặt kế hoạch tổng doanh thu 9.580 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 436 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,8% và giảm 24,6% so với thực hiện năm trước. Như vậy, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt 8,7% mục tiêu về doanh thu và vượt gần 77% mục tiêu về lợi nhuận.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Nhiệt điện Quảng Ninh giảm 9,7% so với đầu năm về 8.048 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 4.241,5 tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận gần 2.515 tỷ đồng, chiếm 31,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, biến động lớn nhất chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 31,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 361 tỷ đồng về 795 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 22,4%, tương ứng tăng thêm 459 tỷ đồng lên 2.514 tỷ đồng.
Dự báo ngành điện trong 2023, VCBS cho rằng những năm tới, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Các chuyên gia cho rằng, khi hiện tượng La Nina bắt đầu suy yếu vào nửa đầu năm 2023, El Nino sẽ duy trì trạng thái trung tính vào tháng 3/2023 ở mức 70% nên tình hình thủy văn sẽ bắt đầu kém khả quan hơn cho các doanh nghiệp thủy điện.
Các doanh nghiệp nhiệt điện với các nhà máy mới có tuổi đời còn mới, vận hành ổn định được kỳ vọng sẽ được huy động sản lượng cao hơn. Trong khi đó, nhóm nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ gặp nhiều thách thức.
Tỉ trọng nhiệt điện than sẽ giảm dần từ 29% ở năm 2020 xuống chỉ còn 10% trong tổng cơ cấu nguồn điện vào năm 2050. Nhiệt điện than sẽ không được phát triển mới sau năm 2030.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lai-quy-iv-giam-86-nhiet-dien-quang-ninh-van-vuot-ke-hoach-ca-nam-a591211.html