Chiều 14/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc đã đề ra, tiếp tục có đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Thành công của kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng; công tác phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị các nội dung; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội chí trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được khắc phục như: tình trạng gửi tài liệu của một số dự án luật còn chậm; có luật chưa khắc phục đáng kể được tình trạng “luật khung, luật ống”, còn để nhiều điều, khoản giao Chính phủ quy định hoặc quy định chi tiết gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện;
Một số đại biểu sử dụng quyền tranh luận chưa đúng quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội (dùng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến); một số câu trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đi vào trọng tâm câu hỏi, chưa thực sự đưa ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Cường cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 về phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công;
xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác;
Trong đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung cần được trình Quốc hội xem xét quyết định để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022…
Dự kiến Quốc hội khai mạc vào ngày 23/10 và bố trí 2 đợt họp theo 2 phương án.
Theo đó Phương án 1: Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11. Phương án 2: Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào ngày 7/12 để các cơ quan có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong khoảng thời gian từ ngày 28 đến 30/8/2023. Do đó, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khẩn trương đề xuất những nội dung cần thảo luận tại Hội nghị để sớm xây dựng kế hoạch.
Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tiếp tục đề xuất thời gian, cách thức tiến hành đối với từng nội dung của kỳ họp để nâng cao hơn nữa hiệu quả xem xét, quyết định các nội dung kỳ họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ 5 đã tốt thúc tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc từ công tác lập pháp cho đến vấn đề công tác nhân sự. Kỳ họp đã phát huy dân chủ, đảm bảo sự công khai minh bạch, tuyệt đại đa số các vấn đề biểu quyết đều tán thành với tỷ lệ rất cao.
Về kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nội dung cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 đều là những nội dung hết sức quan trọng. Những việc “quốc gia đại sự” cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, khởi động ngay từ bây giờ để tổ chức thành công kỳ họp thứ 6, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-xem-xet-thong-qua-9-du-an-luat-a617237.html