80 phút cứu người
Ngày 10/1, thông tin từ bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa can thiệp thành công cứu nam bệnh nhân T.H. (65 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) xuất huyết từ lưỡi đe dọa mạng sống.
Trước đó, lúc 22h50 ngày 4/1, bệnh nhân H. được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán u ác tính của lưỡi xuất huyết – rối loạn đông máu.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân huyết áp thấp, mạch nhanh, da niêm nhạt, chóng mặt, miệng có nhiều máu đông màu đen, máu đỏ tươi đang chảy ra từ miệng…
Theo gia đình bệnh nhân, H. phát hiện bị u ác tính ở lưỡi cách đây khoảng 2 năm và đang điều trị. Cách nhập viện khoảng 20h, bệnh nhân chảy máu miệng, mũi lượng nhiều, khó cầm được người nhà đưa đến cơ sở y tế địa phương được xử trí cấp cứu, tình trạng chảy máu tái phát được xử trí cầm máu truyền máu và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương điều trị.
Do có thông tin thông báo từ tuyến trước, ê-kíp can thiệp nội mạch đã có bước chuẩn bị sẳn sàng nên khi bệnh nhân vừa đến bệnh viện, bệnh nhân được xử trí cấp cứu nhanh chóng.
Ê-kíp can thiệp mạch quyết định can thiệp cầm máu bằng phương pháp chụp và nút mạch các khối u số hóa xóa nền (DSA). Sau 80 phút can thiệp, tình trạng huyết ổn định. Hiện tại bệnh tỉnh, không chảy máu tái phát, dự kiến ra viện trong ngày 11/1/2023.
Chảy máu cấp tính là một biến chứng nặng nề
Theo y văn, xuất huyết vùng đầu cổ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và thường là tình trạng đe dọa tính mạng. Việc định vị vị trí xuất huyết có vai trò rất quan trọng trong xử trí xuất huyết vùng đầu cổ. Khi xác định được vị trí chảy máu, tùy vào mức độ nghiêm trọng của chảy máu, các bác sĩ sẽ có thể lên kế hoạch can thiệp chính xác.
Trong những trường hợp không thể định vị được vị trí chảy máu, ung thư vùng đầu cổ thường là nguyên nhân hay gặp nhất do khối u xâm lấn hoặc chảy máu tự phát bên trong khối u. Tỷ lệ chảy máu trong u chiếm tỷ lệ khoảng 6-14% tùy theo vị trí và kích thước u, trong đó khoảng 6% số trường hợp là chảy máu cấp tính gây tử vong cho người bệnh. Ngoài ra, việc vỡ các mạch máu lớn tuy hiếm nhưng thường dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, cần được đánh giá đầy đủ.
Vấn đề điều trị bảo tồn luôn được đặt ra đầu tiên trong điều trị xuất huyết vùng đầu cổ. Tuy nhiên, nếu các phương pháp này tỏ ra không hiệu quả, việc can thiệp nội mạch được xem xét đến vì những ưu điểm trong việc định vị vùng chảy máu và cầm máu tại chỗ, từ đó ổn định tình trạng bệnh nhân gần như lập tức và hoàn toàn.
Đây được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả cao, nhanh chóng và xâm lấn tối thiểu.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ ứng dụng can thiệp nội mạch trong điều trị u vùng đầu mặt cổ ngày càng tăng, đặc biệt trong các trường hợp chảy máu cấp tính, nhờ sự phát triển về kỹ thuật và dụng cụ can thiệp cũng như các vật liệu nút mạch nên can thiệp nội mạch đã được áp dụng với các chỉ định rộng rãi hơn nhiều từ những trường hợp nút mạch trước phẫu thuật cắt u để giảm mất máu trong phẫu thuật hoặc các trường hợp chảy máu cấp tính do loét mạch máu trong ung thư, chảy máu mũi mức độ nhiều, chảy máu sau cắt amidal…
Chảy máu cấp tính là một biến chứng nặng nề đối với những bệnh nhân ung thư vùng đầu mặt cổ. Điều trị can thiệp nội mạch là một phương pháp có hiệu quả cao, tỷ lệ thành công 70-99% . Tuy nhiên, đây được xem là kỹ thuật cao, đòi hỏi phải có hệ thống máy móc chuyên dụng và các nhân sự được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm.
Thanh Lâm
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kip-thoi-can-thiep-cuu-benh-nhan-u-ac-o-luoi-chay-mau-cap-tinh-a589604.html