Nguyên nhân HoSE đưa ra là tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán của tổ chức niêm yết, thuộc chứng khoán bị cảnh báo theo quy định điểm c khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17 ngày 31/3/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, gần 940 triệu cổ phiếu ITA cũng tiếp tục bị HoSE cảnh báo do công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo đồng thời tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin trong 6 tháng kể từ ngày bị cảnh báo.
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Tân Tạo ghi nhận lỗ tăng từ 176 tỷ đồng trước kiểm toán lên lỗ 257 tỷ đồng sau kiểm toán, tương ứng tăng tới 46%.
Công ty cho biết, nguyên nhân là do điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu doanh thu, chi phí trong năm 2022 dẫn đến lợi nhuận trước thuế tăng thêm 2,67 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm gần 82 tỷ là do giảm thuế chi phí TNDN hiện hành 9,1 tỷ và tăng chi phí thuế TNDN hoãn lại hơn 93 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh đến khoản nợ tiềm tàng của báo tài chính hợp nhất. Cụ thể, đến ngày 31/12/2022, ITA đã ghi nhận 100% doanh thu cho toàn bộ thời gian cho thuê lại trên phần đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghiệp Tân Tạo – Khu mở rộng với tổng diện tích là 938.350 m2 và Khu Công nghiệp Tân Đức là 1.683.880 m2.
Tuy nhiên, do hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định đơn giá này, nên công ty vẫn chưa xác định được giá trị tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với phần diện tích đất nêu trên tại Khu Công nghiệp Tân Tạo – Khu mở rộng và Khu Công nghiệp Tân Đức.
Vào ngày của báo cáo tài chính hợp nhất này, công ty chưa nhận được thông báo từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về cơ sở để xác định giá trị tiền thuê đất phải trả một lần cho diện tích đất đã được cho thuê lại nêu trên và đang chờ phản hồi từ các cơ quan này.
Ngoài ra, kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ về khoản uỷ thác đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Hoa Kỳ cho cá nhân Bà Đặng Thị Hoàng Yến theo các Biên bản và Nghị quyết ĐHĐCĐ từ năm 2019 – 2021 của ITA.
Theo đó, trong biên bản họp ĐHĐCĐ số 108 và Nghị quyết của ĐHĐCĐ số 108 của CTCP Tân Đức – công ty con của Tân Tạo, khoản uỷ thác đầu tư này với số tiền là 14,1 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2022, khoản uỷ thác đầu tư này đã được Công ty Clourist Par, Inc (Hoa Kỳ) xác nhận với số tiền 14,1 tỷ đồng.
Thế nhưng, theo biên bản họp và Nghị quyết của HĐQT số 2912 của HĐQT CTCP Đầu tư Tân Đức đã quyết định giảm khoản uỷ thác đầu tư cho Bà Đặng Thị Hoàng Yến số tiền 300 tỷ đồng. Đồng thời chuyển giao cho CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) tiếp tục thực hiện việc uỷ thác đầu tư số tiền 300 tỷ đồng.
Về kế hoạch năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 774,4 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 257,3 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2022, Tân Tạo ghi nhận lỗ 257,9 tỷ đồng. Như vậy, sau năm kinh doanh thua lỗ, Tân Tạo dự kiến có lãi trở lại trong năm 2023.
Ngoài ra, Tân Tạo cũng dự kiến thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Sài Gòn Đà Lạt, Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC), Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC2), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tân Tạo, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Cơ khí – Năng lượng Agrimeco Tân Tạo; cho phép các công ty con được phép tăng, giảm vốn vào các công ty liên doanh, liên kết tùy theo hoạt động kinh doanh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kiem-toan-dua-ra-y-kien-ngoai-tru-co-phieu-tan-tao-vao-dien-canh-bao-a603446.html