Cố nhà văn Kim Dung là “cha đẻ” của nhiều cuốn tiểu thuyết đình đám như Anh hùng xạ điêu, Tuyết sơn phi hồ, Thiên long bát bộ, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký… Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất Trung Quốc.
Trong thế giới võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung, có rất nhiều môn võ công cái thế. Tất cả những bí kiếp đó không chỉ là tuyệt kỹ võ học cao thâm mà còn hàm chứa những triết lý sống sâu sắc. Trong đó phải kể đến Lục mạch thần kiếm, môn võ công bí truyền của Đoàn thị Đại Lý và cũng là bảo vật của ngôi chùa Thiên Long Tự.
Thực chất Lục mạch thần kiếm không phải là kiếm pháp sử dụng đến thanh kiếm, mà nó là tuyệt kỹ sử dụng chân khí chạy qua kinh mạch và các huyệt đạo để biến thành kiếm khí, đả thương đối thủ vô hình vô ảnh. Lục mạch thần kiếm được Đoàn Tư Bình sáng tạo ra, ông là vị vua của nước Đại Lý và cũng là người lập ra Thiên Long Tự. Môn võ công này từng được coi là thứ võ công đáng sợ nhất trong Thiên long bát bộ được người trên giang hồ gọi là “Thiên hạ đệ nhất kiếm khí”.
Ngoài ra, điều đặc biệt của Lục mạch thần kiếm, dù là bảo vật truyền đời của họ Đoàn. Nhưng môn võ học này thậm chí còn không được truyền lại cho chính con cháu, kể cả kẻ đó có là vương hầu hay thiên tử. Lục mạch thần kiếm được giao cho các lão tăng của Thiên Long Tự. Tại ngôi chùa này, các đời vua của họ Đoàn sau khi từ giã ngai vàng sẽ xuất gia và trở thành một thiền sư. Chỉ khi đó, họ mới có thể được luyện Lục mạch thần kiếm.
Nguyên nhân của việc này, là do Lục mạch thần kiếm có uy lực và sát thương quá lớn, nên phải tu tập Phật pháp để trung hòa. Chính vì vậy, chỉ có những đệ tử xuất gia của chùa Thiên Long Tự, những người tinh thông phật pháp, không có sát ý mới được luyện môn tuyệt kỹ này. Đó là một nghiêm luật mà ngay cả vua nước Đại Lý cũng không thể làm trái. Tuy nhiên, trong diễn biến của Thiên long bát bộ, Đoàn Dự dù chưa xuất gia nhưng do cơ duyên bất ngờ nên đã học được Lục mạch thần kiếm.
Quốc Tiệp
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-mon-vo-cong-ky-la-phai-xuat-gia-moi-duoc-tu-luyen-a641722.html