Đầu năm 2023, các ngân hàng đang rục rịch công bố lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên đồng thời kế hoạch chia cổ tức năm 2023.
Theo đó, lần đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay, Eximbank đã thực hiện chia cổ tức. Cụ thể, ngày 20/2 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu của Eximbank.
Cổ đông ngân hàng này sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 2.459 tỷ đồng, lên mức 14.814 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mới đây, ngân hàng VIB cũng vừa có nghị quyết phê duyệt việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng là hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ 10% vốn điều lệ.
Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022; trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế ba quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng.
Ngày VIB thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức tiền mặt là 3/3.
VIB cho biết, nếu được đại hội cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, ngân hàng này có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 đồng cổ tức.
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây cho biết, ACB cũng đang có kế hoạch trả cổ tức với tỉ lệ tương tự năm 2021 là 25%. Tuy nhiên, tỉ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.
Lần gần đây nhất ACB chi cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỉ lệ 7%.
Một ngân hàng khác cũng có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là TPBank. Cụ thể, ngân hàng đã thay đổi ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức là 21/2 và ngày thanh toán là 3/3.
Trước đó, ngân hàng đã công bố kết quả lấy kiến cổ đông bằng văn bản về phương án trên với tỉ lệ tán thành đạt 77,69%. Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ thực hiện là 25%, tức một cổ phiếu nhận được 2.500 đồng.
Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán. TPBank cho biết lũy kế đến hết năm 2022, lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư đạt hơn 13.364 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.486 tỷ đồng.
Chưa có kế hoạch cụ thể nhưng trong buổi gặp mặt cổ đông mới đây, bà Lưu Thị Thảo – Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank đã tiết lộ kế hoạch chia cổ tức qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Theo đó, phát hành riêng lẻ thành công sẽ giúp VPBank có cơ sở về vốn, trong đó ưu tiên đầu tiên là dành đủ vốn để đạt hệ số an toàn tốt và sẽ tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt khi điều kiện cho phép.
Theo bà Thảo, một tín hiệu tích cực trong năm 2023 là không còn sự kiểm soát của cơ quan quản lý về việc chia cổ tức bằng tiền mặt. Hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt bắt đầu bị Ngân hàng Nhà nước thắt chặt từ năm 2020 nhằm dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Vậy nên, trong bối cảnh hiện tại khi đại dịch qua đi, Nhà điều hành cũng không còn siết chặt quản lý việc chia cổ tức của các ngân hàng.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khong-con-nhieu-kiem-soat-loat-ngan-hang-mo-hau-bao-chia-co-tuc-cao-a594485.html