Tiền nợ gần gấp đôi tiền vốn
Đầu tháng 4/2023, Văn phòng UBND Tp.HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tp.HCM về kiến nghị giải thể của Công ty TNHH một thành viên phim Nguyễn Đình Chiểu (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu). Lý do kiến nghị giải thể là “do thua lỗ kéo dài, lỗ lũy tiến vượt qua vốn điều lệ ban đầu”.
Ngày 3/4, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM đã có Kết luận số 234/TB-VP về việc giải quyết kiến nghị giải thể này.
Cụ thể, yêu cầu Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn khẩn trương rà soát toàn bộ hoạt động của Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu; báo cáo và đề xuất phương án xử lý đối với hãng phim này để trình UBND Tp.HCM chậm nhất ngày 15/4.
Đồng thời, trong báo cáo xin giải thể, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn cũng báo cáo việc chưa tái ký hợp đồng nhưng Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu vẫn liên tục thực hiện chương trình Văn hóa, phát sóng trên Đài Truyền hình Tp.HCM, đến ngày 31/12/2022 chưa quyết toán 2,1 tỷ đồng.
Về việc này, ông Dương Anh Đức chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM chủ trì, phối hợp Sở Tài chính làm việc với tổng công ty, hãng phim và đài truyền hình để làm rõ, đề xuất hướng xử lý lên UBND Tp.HCM trong tháng 4 năm nay.
Báo cáo xin giải thể Công ty TNHH một thành viên phim Nguyễn Đình Chiểu được Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn gửi lên UBND Tp.HCM vào ngày 28/11/2022. Đến cuối tháng 3/2023, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp (thuộc UBND Tp.HCM) có công văn về việc giải quyết kiến nghị.
Hiện tại, hãng phim Nguyễn Đình Chiểu có 19 nhân sự và 2 mặt bằng (số 6 Ngô Thời Nhiệm, quận 3 và số 207 Đinh Tiên Hoàng, quận 1).
Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Tp.HCM báo cáo: “Hai mặt bằng này bị xuống cấp trầm trọng vì đã xây dựng từ trước năm 1975, với kết cấu cũ, không được nâng cấp cải tạo phù hợp với một hãng phim điện ảnh và không có một phim trường hiện đại đủ chuẩn để có thể mở rộng công năng.
Do thiếu nguồn vốn, chưa được đầu tư và nâng cấp nhà xưởng cũng như trang thiết bị hiện đại, đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh cũng như hợp tác thực hiện phim gia công, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả”.
Riêng về tình hình tài chính, từ năm 2011 đến nay, hiệu quả hoạt động của hãng phim này rất thấp. Theo văn bản góp ý của Sở Tài chính (số 742/STC-TCDN) vào ngày 20/2, báo cáo tài chính năm 2022 của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu lập ngày 31/12/2022 cho biết, lỗ lũy kế là 7,038 tỷ đồng, vượt vốn đầu tư chủ sở hữu là 4,844 tỷ đồng. Nợ phải trả là 7,745 tỷ đồng, lớn hơn tổng tài sản là 5,561 tỷ đồng.
Giai đoạn 2023-2025, công ty không chủ động xây dựng được phương án kinh doanh, mà phụ thuộc vào Chương trình Văn hóa thành phố của Đài Truyền hình Tp.HCM. Nếu không được giao chương trình này, công ty sẽ tiếp tục lỗ hằng năm 1,7 tỷ đồng.
Loay hoay định hướng phát triển
Công ty TNHH một thành viên phim Nguyễn Đình Chiểu là hãng phim Nhà nước, tiền thân là Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu trực thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Tp.HCM, được chuyển về làm công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn từ tháng 12/2005.
Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu đã có giai đoạn phát triển rực rỡ vào thập niên 1980 với những tên tuổi nổi bật như nhà quay phim Trương Đình Mưu, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Nguyễn Ngọc Hiến, NSƯT Nguyễn Quế, NSND Đoàn Quốc, NSƯT Lê Văn Duy, Lê Dũng, Hồ Nhân, NSƯT Tường Phương, Lê Phương Nam, diễn viên – NSND Thế Anh, NSND Thụy Vân,…
Đầu tháng 4/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin, tại trụ sở Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, số 6 Ngô Thời Nhiệm, quận 3 không khí rất buồn tẻ. Hiện, hãng chỉ còn 19 cán bộ, nhân viên và chỉ 10 người trong số họ làm chuyên môn về phim, với 4 người vừa đạo diễn vừa kiêm biên tập.
Hãng chỉ vỏn vẹn 2 quay phim mà một người chê lương thấp đã bỏ nghề nên “bây giờ còn một người, nếu ốm không biết ai quay?”.
Trụ sở của hãng phim xuống cấp, nứt nẻ. Tòa nhà từ năm 1975 đến nay hầu như vẫn không có gì thay đổi và 20 năm qua không một lần sửa chữa. Kho phim tài liệu quay các sự kiện quan trọng nhất của Tp.HCM để trong phòng khóa kín, nguy cơ hư hỏng hết do chưa số hóa được.
Trong khi đó, rạp Cầu Bông tại 207 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 do Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu quản lý, là một trong số rất ít các rạp phim Nhà nước hiện còn giữ được. Nhưng, rạp vắng bóng phim ảnh mà cho thuê làm phòng trà và bán kem.
Lý giải thực cảnh đáng buồn hiện nay, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Hãng phim giờ không còn làm phim truyện mà chỉ sản xuất phim tài liệu, nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh nổi với đài truyền hình và bản thân hãng không có kênh sóng của mình, không có hệ thống phát hành lẫn nơi công chiếu. Nguồn ngân sách đầu tư rất ít”.
Nhiều năm qua, hãng chủ yếu làm chương trình Văn hóa Tp.HCM (30 phút/tuần, theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM) và chương trình Phê bình lý luận văn học nghệ thuật Tp.HCM (1 số/tháng, Ban Tuyên giáo, Thành ủy Tp.HCM đặt hàng).
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, chương trình Văn hóa Tp.HCM không còn được Sở Văn hóa – Thể thao Tp.HCM cấp tiền thực hiện. Chương trình Phê bình lý luận văn học nghệ thuật Tp.HCM cũng đã bị tạm ngưng từ tháng 3/2023 do hãng đang trong thời gian xin giải thể. Hơn một năm nay, nhân sự của hãng phim này gần như không có việc làm.
Ông Lâm cũng thừa nhận: “Hãng phim tồn tại được một phần nhờ vào tiền… cho thuê rạp Cầu Bông. Thu nhập bình quân của người lao động 5,5 triệu đồng/tháng. Kinh phí làm phim thiếu thốn, máy móc cũ kỹ. Nếu không cho thuê rạp, chúng tôi tồn tại bằng cách nào? Chưa kể tiền thuế đất mỗi năm 800 triệu đồng, không cho thuê rạp lấy tiền đâu đóng thuế đất?”.
Nói về những vướng mắc của đơn vị, ông Lâm cho rằng, khi tách khỏi Sở Văn hóa – Thể thao Tp.HCM, hãng phim không có vốn; không cơ sở vật chất; không có con người biết kinh doanh trong ngành điện ảnh.
Năm 2013, lãnh đạo Tp.HCM từng đề nghị Tổng Công ty tăng vốn cho hãng phim nhưng Tổng Công ty không thu xếp được nên hãng phim không có vốn để phát triển hoạt động như chỉ đạo của Tp.HCM.
Hơn 10 năm bế tắc “cổ phần hóa”
Năm 2009, UBND Tp.HCM đã chỉ đạo Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn được giao cổ phần hóa Hãng phim thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.
Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn và Hãng phim có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước được giao, đảm bảo vốn Nhà nước giữ cổ phần chi phối; phát huy năng lực của các thành phần kinh tế tham gia xây dựng Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu trở thành một trong những hãng phim có truyền thống cách mạng, uy tín, có những tác phẩm điện ảnh xứng tầm phát triển của thành phố.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khong-con-hao-quang-ruc-ro-hang-phim-nguyen-dinh-chieu-xin-giai-the-a602183.html