Bộ GD&ĐT cân nhắc không xét tuyển đại học sớm năm 2023
Báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối đại học, cao đẳng sư phạm mới đây, Bộ GD&ĐT nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.
Các vấn đề được chỉ ra gồm: Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành đào tạo; một số cơ sở xét tuyển sớm chưa hiệu quả; thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại cơ sở đào tạo.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành và một số cơ sở đào tạo.
Cụ thể, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Theo Bộ GD&ĐT, danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm, nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo.
Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng đạt chỉ tiêu rất thấp, bởi thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ngành tuyển quy mô lớn trong toàn hệ thống, đạt chỉ tiêu tương đối cao nhưng lại gặp khó khăn ở một số cơ sở đào tạo.
Như vậy, theo Bộ GD&ĐT, việc dễ tuyển hay khó tuyển không chỉ do đặc điểm ngành mà phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, các chương trình liên kết quốc tế có xu hướng kém hấp dẫn hơn những năm trước đây. Nhiều cơ sở gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Về giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, Bộ sẽ hoàn thiện quy định về danh mục ngành, mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo về thẩm quyền và các điều kiện khi mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là điều kiện bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở tuyển sinh vượt năng lực, vượt số lượng theo quy định.
Hạn chế các phương án tuyển sinh phức tạp, rắc rối
Phát biểu tại cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm ngày 30/11, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống chung cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình cũng như kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm nay (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1. Bên cạnh đó, có thể rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Bộ cũng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế hiện hành; tránh làm phức tạp, rắc rối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung, triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến, thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, chủ động thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong các cơ sở đại học; tăng cường hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy – học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Các cơ sở triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”, tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng Triển khai hệ thống quản trị cơ sở giáo dục; hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu ngành quốc gia; phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh công tác giải ngân; đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế và công tác truyền thông về giáo dục đại học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, căn cứ kết quả tuyển sinh năm nay, các trường cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả phương thức tuyển sinh. Trên cơ sở đó, triển khai trong năm tới đạt hiệu quả hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, với phương thức tuyển sinh nào ít hiệu quả, các trường có thể xem xét, tinh giảm, điều chỉnh trong năm 2023. Làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh; thậm chí có thể tính đến phương án thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức trên hệ thống phần mềm.
Có nên tự chủ tạo ra môi trường cạnh tranh?
Được biết, đối với tuyển sinh đại học chính quy, chỉ tiêu hằng năm tăng nhẹ, tỷ lệ tuyển sinh trong 3 năm gần đây tăng từ 83,46% tăng lên 97,80%, theo thống kê của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, có thể thấy tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tỷ lệ sinh viên có việc làm…) để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút được sinh viên giỏi; thúc đẩy các trường ngày càng đi vào thực chất hơn với chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.
Năm 2019- 2021 các trường có nhiều phương thức để thực hiện tuyển sinh hiệu quả. Các trường thực hiện tuyển sinh trên cơ sở ba nguyên tắc cơ bản: Công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các trường tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh và công khai, học sinh và phụ huynh tiếp cận đầy đủ thông tin tuyển sinh; các bên liên quan và xã hội giám sát ở các khâu từ xác định chỉ tiêu đến xác định điểm trúng tuyển, phương án cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên để xét tuyển.
Theo số liệu, kết thúc tuyển sinh đợt 1 năm 2022, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan. Thống kê riêng khối đại học cho thấy: Trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt số lượng của cả năm 2020.
Trong số 224 cơ sở đào tạo đầu mối, 149 cơ sở đào tạo 66,5% có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo 50,4% đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.
Trúc Chi (theo Vietnamnet, Đại Biểu Nhân Dân)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khi-tuyen-sinh-cac-truong-khong-dua-ra-phuong-an-tuyen-sinh-phuc-tap-a583416.html